Ninh Thuận với tham vọng trở thành trung tâm năng lượng của cả nước
Ninh Thuận dựa vào lợi thế để phát triển điện gió, điện mặt trời với mục tiêu trở thành Trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo cả nước.
UBND tỉnh Ninh Thuận đã có tờ trình HĐND tỉnh thông qua nghị quyết về xây dựng tỉnh Ninh Thuận trở thành Trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu là khai thác và phát huy có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh về phát triển năng lượng. Nhất là năng lượng tái tạo góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Ninh Thuận là khu vực có tiềm năng lớn về năng lượng mặt trời cho sản xuất điện cũng như cho nhu cầu sinh hoạt.
Tỉnh này có điều kiện khí hậu thuận lợi do ít chịu ảnh hưởng của gió bão là điều kiện lý tưởng xây dựng các nhà máy điện mặt trời.
Theo khảo sát, Ninh Thuận có lượng gió thổi đều trong suốt 10 tháng với tốc độ từ 6,4-9,6 m/s, bảo đảm ổn định cho turbine gió phát điện. Địa phương còn là nơi nhận một lượng lớn bức xạ mặt trời với tổng số giờ nắng trung bình 2837,8 giờ/năm, cao nhất cả nước.
Lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Ninh Thuận cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 35 dự án điện mặt trời với công suất 2.412 MW và 11 dự án điện gió với công suất 666 MW đã đưa vào vận hành.
Nghị quyết xây dựng tỉnh Ninh Thuận thành Trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước đặt chỉ tiêu giai đoạn đến năm 2025 tổng công suất tăng thêm khoảng 3.000 MW để đạt công suất tích lũy 6.500 MW. Trong đó, điện mặt trời đạt 3.440 MW, điện gió trên bờ và gần bờ đạt 1.200 MW, thủy điện chiến 360 MW và điện khí LNG chiếm 1.500 MW. Sản lượng điện sản xuất đạt 11,2 tỉ kWh.
Tỉnh kỳ vọng ngành năng lượng, năng lượng tái tạo sẽ đóng góp 22% GRDP và 29% tổng thu ngân sách của tỉnh. Đồng thời giải quyết 5,5% nhu cầu việc làm trong bốn ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh. Tỉnh cũng phấn đấu hình thành một Trung tâm nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng tái tạo, thu hút một dự án đầu tư trong lĩnh vực nghiên cứu chế tạo các thiết bị trong các phân ngành năng lượng.
Đến năm 2030, tỉnh Ninh Thuận định hướng tổng công suất các nhà máy điện tăng thêm khoảng 5.300MW, nâng quy mô công suất nguồn điện toàn tỉnh đạt 11.800MW, giải quyết 7,3% nhu cầu việc làm. Đạt mục tiêu xây dựng Ninh Thuận trở thành Trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo bền vững.
Nguồn: plo.vn