Về Bàu Trúc xem làm gốm bằng cách... đi giật lùi
Ngày 29/11/2022, UNESCO đã chính thức ghi danh Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Đây là di sản văn hóa phi vật thể thứ 15 của Việt Nam được UNESCO vinh danh. Chúng tôi đã có mặt tại làng gốm Bàu Trúc - thuộc địa bàn thị trấn Phước Dân, Ninh Phước, cách thành phố Phan Rang, Ninh Thuận khoảng 10 km về phía nam.
Người Bàu Trúc chủ yếu là đồng bào dân tộc Chăm. Theo một số nhà nghiên cứu, nghề làm gốm đã tồn tại từ hàng trăm năm trước và từ đó đến nay nó hầu như không thay đổi, được coi là một nghề thủ công cổ xưa nhất Đông - Nam Á.
Nghề gốm trăm năm
Theo chân đoàn công tác của Hội đồng Anh, tôi đến Bàu Trúc để nhìn tận mắt kết quả dự án Phát triển du lịch cộng đồng dựa vào di sản tại làng Bàu Trúc, do tổ chức này phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Ninh Thuận cùng địa phương triển khai.
Lúc này, thị trường du lịch vừa mở cửa trở lại, có một đoàn khách nước ngoài đang đứng nghe hướng dẫn viên giới thiệu về nghề gốm. Một cán bộ của Sở nói với tôi: dân Bàu Trúc về cơ bản đều đã được hướng dẫn, đào tạo để đón tiếp khách du lịch, tiếp thị sản phẩm, dạy khách cách làm bánh và các món ăn truyền thống của người Chăm. Thời gian gần đây, thu nhập của người dân đã tăng lên bên cạnh nguồn thu từ các sản phẩm gốm.
Phụ nữ Chăm làm gốm hoàn toàn bằng tay và đi giật lùi để tạo hình
Ông Đàng Chí Quyết, Trưởng Ban Quản lý khu phố Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân cho biết: Làng Bàu Trúc (tiếng Chăm gọi là Palei Hamu Craok) hiện có 1 hợp tác xã, 4 công ty và 9 cơ sở sản xuất gốm hoạt động thường xuyên, tính ra 1/3 dân trong làng hiện đang sống nhờ nghề gốm. Gốm Bàu Trúc xưa được xem là nghề “tay trái” chỉ sản xuất lúc nông nhàn thì giờ đây đã trở thành nghề chính mang lại thu nhập ổn định cho nhiều gia đình.
Các sản phẩm gốm Bàu Trúc rất phong phú, đáp ứng mọi nhu cầu thị trường, từ gốm mỹ nghệ như tượng nữ thần Apsara, tháp Chăm, phù điêu trang trí nội thất, bình nước phong thủy, bình hoa đến các vật dụng gốm cần thiết cho đời sống thường ngày như ấm đất, khuôn đổ bánh căn, bánh xèo, lu đựng nước, nồi đất, lò đun than củi... Ngoài bán ở thị trường trong nước, hiện gốm Bàu Trúc đã có mặt ở một số thị trường quốc tế như: Nga, Mỹ, Ý và Nhật Bản.
Sự “kỳ diệu” của các tay nghề làm gốm Bàu Trúc được hướng dẫn viên người Chăm là Sử Văn Tiên (Ban quản lý di tích Tháp Pô Klong Garai) tiết lộ: “Tháp Pô Klong Garai ở Ninh Thuận hiện nay sở dĩ hầu như chưa phải tu bổ gì nhiều mặc dù được xây từ thế kỷ 17 đều là nhờ được xây bằng gạch do làng gốm Bàu Trúc nung.
Gạch ở đây không nung già mà nung non, khi bổ đôi ra, ở giữa vẫn có màu đen của đất chưa “chín” kỹ. Gạch non có tác dụng khi gặp mưa sẽ nở ra và bịt kín các khe hở khiến rêu không chen vào được. Đó là lý do khiến các tháp Chăm hầu như không có rêu và địa y”.
Làm gốm bằng cách... đi giật lùi
Tương truyền, tổ nghề gốm ở Bàu Trúc là Poklong Chanh chỉ truyền nghề cho phụ nữ Chăm. Điều đó cũng giải thích tại sao nghề làm gốm vất vả nhưng khi bước chân vào làng, du khách chỉ thấy những người thợ nữ trộn, nhào đất, tạo hình, trang trí hoa văn... rất ít có bóng đàn ông lẫn vào.
Ông Đàng Chí Quyết kể: trước đây, sự phân biệt và đặc trưng “chỉ có phụ nữ mới được làm gốm” thể hiện rất rõ ở chỗ: nếu du khách hỏi giá một sản phẩm thì một em bé gái mới biết nói có thể báo giá, nhưng một cụ ông tóc bạc phơ thì không. Hay những em gái từ 5 tuổi đã học làm gốm qua cách cầm tay chỉ việc, trước lúc cưới phải thông thạo tất cả kỹ thuật tạo hình, còn các bé trai thì ngược lại.
Nhưng hiện tại, để kích cầu phát triển du lịch, nhiều người đàn ông đã tham gia làm gốm. Phụ nữ ít có ai làm được những sản phẩm mỹ nghệ có kích thước lớn để cung ứng cho thị trường, cho nên đàn ông phải đảm nhận mỗi khi có khách đặt.
Cách nặn gốm ở Bàu Trúc khác các nơi khác, là sản phẩm được nặn hoàn toàn bằng tay, không có bất cứ máy móc nào can thiệp. Người thợ đo độ dày mỏng của đồ bằng phương pháp tay trong tay ngoài. Thay vì sử dụng bàn xoay, thợ gốm Bàu Trúc phải xoay quanh khối nguyên liệu theo chiều đi giật lùi để nắn, vuốt, tạo hình sản phẩm. Do vậy, làm gốm ở Bàu Trúc được tính là một công việc nặng nhọc. Mỗi ngày làm việc người thợ phải đi bộ trung bình 10 đến 20km. Khi thử làm gốm Bàu Trúc, tôi bị chóng mặt hệt như cảm giác mới tập “Suối nguồn tươi trẻ” lần đầu.
Mặc dù, mỗi nghệ nhân có thể tạo hình một lần hàng chục cái bình, tuy nhiên các sản phẩm đều là độc bản.
Gốm Bàu Trúc không tráng men và được phơi khô, nung ở ngoài trời bằng củi và rơm trong 7 đến 8 giờ ở nhiệt độ khoảng 800 độ C (chứ không phải bằng lò như gốm Bát Tràng). Theo nghệ nhân Đàng Xem, cách nung truyền thống này kết hợp pha mầu, ém khói, đã tạo ra các vết mầu loang rất đặc sắc và đậm nét văn hóa Chăm trên từng sản phẩm gốm, như: vàng đỏ, đỏ hồng, vệt nâu… mà ít nơi nào làm được.
Tháp Chăm Pô Klong Garai ở Ninh Thuận được xây bằng gạch do làng gốm Bàu Trúc nung hầu như không có rêu và địa y
Đất làm gốm chỉ được lấy một lần duy nhất trong năm ở triền sông Quao cách làng vài cây số sau mùa thu hoạch lúa. Người dân mang đất về làm sạch, đập nhuyễn, ngâm nước rồi nhồi với cát trắng hạt nhỏ theo tỷ lệ hai đất sét một cát cho thật mịn và trữ sẵn trong nhà để dùng trong cả năm.
Khâu làm đất này phải rất kỹ lưỡng, vì theo các nghệ nhân, chỉ cần sót ít bụi bẩn thì sản phẩm sau khi nung sẽ bị nứt, hư hỏng ngay. Đồ ăn, thức uống đựng trong đồ gốm làm từ đất sét sông Quao ít bị hư hỏng vì nhiệt độ bên trong sản phẩm gốm thường mát hơn bên ngoài.
Câu chuyện mẫu hệ
Cộng đồng người Chăm ở Ninh Thuận còn một tập tục độc đáo là chế độ mẫu hệ. Trong gia đình, người làm chủ và có tiếng nói quyết định là phụ nữ. Đó cũng là lý do nghề gốm sau khi được những phụ nữ Chăm sáng tạo ra thì chỉ truyền cho con gái trong nhà. Nghệ nhân Đàng Xem được coi như người đàn ông đầu tiên ở Bàu Trúc học thành thạo nghề gốm (vào năm 1999) và tạo ra những sản phẩm gốm mỹ nghệ có dấu ấn riêng.
Trong chuyến đi Ninh Thuận đợt này, chúng tôi còn được mời về làng Chăm Phước Hậu (nơi tổ chức lễ rước y trang quan trọng nhất của lễ Katê hàng năm) và được ăn cỗ Chăm đúng nghĩa. Cỗ làm từ dê nguyên con, khử tanh bằng gạo rang và lá me non. Món chính là thịt dê hầm, ăn với thân cây chuối non thái nhỏ và lá lốt. Nhà nào ở đây cũng có một giàn loa kéo. Hội hè tiệc tùng là không thể thiếu loa.
Hiện đã có một số đàn ông tham gia làm gốm
Cô giáo Thạch Thị Ngọc Lan – người tiếp đón chúng tôi cho biết: ngoài thời gian lên lớp, trung bình mỗi tháng cô đều làm 5-6 mâm cỗ để tiếp khách, của mình, của chồng. Trong gia đình, cô Lan chịu trách nhiệm chính trong việc kiếm tiền và có tiếng nói “chốt hạ” trong những việc lớn như xây nhà, cưới gả con cái.
Mỗi nhà Chăm ở Phước Hậu đều xây rất to và đẹp, theo dân địa phương thì người Chăm đầu tư cho ngôi nhà rất lớn. Cảm nhận đây là làng giàu có dù nghề chính của họ vẫn là làm nông.
Theo Uỷ ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể: hiện nay số lượng nghệ nhân, người thực hành và người học nghề tại các làng gốm Chăm còn ít. Dù có nhiều nỗ lực bảo vệ, di sản vẫn có nguy cơ mai một bởi nhiều mối đe dọa khác nhau như sự đô thị hóa ảnh hưởng đến không gian của các làng nghề thủ công truyền thống và ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu sẵn có, chi phí cho nguyên liệu tăng cao, nghệ nhân lành nghề tuổi cao, thế hệ trẻ không hứng thú với nghề, sản phẩm còn thiếu sự đa dạng...
Nguồn: tienphong.vn