Độc đáo ngôi đình cổ Đắc Nhơn hơn 233 tuổi do vị tu sĩ Phật giáo xây dựng để thờ vua Chăm ở Ninh Thuận

15/12/2022 1154 0

Độc đáo ngôi đình cổ Đắc Nhơn hơn 233 tuổi do vị tu sĩ Phật giáo xây dựng để thờ vua Chăm ở Ninh Thuận

Đình Đắc Nhơn được xây dựng từ năm 1789 để thờ vị vua Pô Klong Garai có công dẫn thủy nhập điền, phát triển nông nghiệp cho người dân trong vùng và được xem là ngôi đình nhiều tuổi nhất ở tỉnh Ninh Thuận. Trong đình Đắc Nhơn còn lưu giữ 8 sắc phong do các vua triều Nguyễn ban tặng.

Tu sĩ Phật giáo xây đình Đắc Nhơn để thờ vua Chăm

Một ngày trung tuần tháng 11/2022, theo chân đoàn khách hành hương, chúng tìm về đình Đắc Nhơn, ngôi đình cổ tự nằm sát bên Quốc lộ 27 thuộc thôn Đắc Nhơn ở xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn cách trung tâm TP. Phan Rang - Tháp Chàm khoảng 10km. 

Toàn cảnh cổ đình Đắc Nhơn tại thôn Đắc Nhơn, xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận. (Ảnh: Đức Cường)

Ngôi đình 233 năm tuổi mang đậm dấu ấn giao thoa văn hoá Việt – Chăm thông qua lối kiến trúc độc đáo và phong tục thờ cúng thiêng liêng của người dân nơi đây.

Dẫn chúng tôi tham quan đình cổ, ông Trần Việt Hùng, Trưởng ban Quản lý đình Đắc Nhơn cho biết, đình được xây dựng vào năm Kỷ Dậu (1789 - cuối Thế kỷ XVII) do một vị tu sĩ Phật giáo tên là Liễu Minh (tự Đức Tạng) vận động người dân trong vùng chung tay xây dựng. Lúc mới xây dựng, đình Đắc Nhơn chỉ là một ngôi miếu nhỏ mang tên "Đắc Nhơn Từ Miếu".

Đến năm 1852, có nhóm thợ người Bình Định đang trùng tu chùa Thiền Lâm được người dân thôn Đắc Nhơn mời đến để trùng tu, nâng cấp thành đình Đắc Nhơn. Trong các năm 1963, 2013 và 2016 đình Đắc Nhơn tiếp tục được tu bổ, chỉnh sửa khang trang như hôm nay.

"Nhưng về cơ bản vẫn giữ nguyên hình mẫu ban đầu. Các vật liệu từ gỗ dùng để xây dựng đình hầu như không bị mối mọt dù đã trải qua mưa nắng và 233 năm thăng trầm của thời gian…", ông Hùng cho biết.

Theo quan sát của chúng tôi, đình cổ Đắc Nhơn hiện tọa lạc trên khu đất rộng hơn 1.300 mét vuông bao gồm 3 gian chính với kiến trúc mang dáng vẻ của một ngôi nhà truyền thống của người Chăm.

Gian chính phía dưới Cổ Lầu là nơi thờ vị Thần Hoàng là vị vua Pô Klong Garai người Chăm (Ảnh: Đức Cường)

Toàn bộ kiến trúc chính của đình được xây dựng bằng các cột gỗ vững chắc, mái lợp ngói. Ở phần tiền đường có hệ thống 16 cột gỗ to lớn gắn kết với 8 kèo gỗ phía trên được điêu khắc tinh xảo theo đường nét văn hóa Chămpa xưa.

Phần chính nơi thờ thần hoàng của đình Đắc Nhơn gồm tiền đường, hậu tẩm rồi đến cổ lầu. Trong đó, cổ lầu nằm ở vị trí trên cao, cách biệt với gian thờ bằng tấm ván gỗ kết lại như biểu tượng cho bầu trời trong văn hoá Chăm. Đây là nơi mà lưu giữ các vật phẩm mang giá trị văn hóa, lịch sử của đình Đắc Nhơn.

Phía bên trái của phần chánh điện là nhà tiền hiền, được xây dựng để thờ cúng các bậc cao niên lão làng và những vị ân nhân có công lập làng, đóng góp xây dựng vào sự phát triển đình Đắc Nhơn. Gian cuối ở phía sau đình là nhà trù (nhà bếp) nơi người dân thực hiện các công việc hậu cần, nấu nướng để chuẩn bị cho mỗi dịp thờ cúng tại đình.

Mái đình sau nhiều lần tư bổ vẫn còn nhuốm màu rêu phong, cổ kính. Đình có lối kiến trúc trang trí lạ mắt, thể hiện sự giao thoa văn hóa Việt – Chăm thông qua hình ảnh những linh vật như rồng, hổ và cá chép trên mái đình và cả những nét chạm trổ, điêu khắc trên các cột gỗ…

Mối liên hệ mật thiết của người xưa khi xây đình Đắc Nhơn

Theo các bậc cao niên ở làng Đắc Nhơn kể lại, đình Đắc Nhơn có mối liên hệ và gắn bó mật thiết với chùa Thiền Lâm vì cả 2 đều được hòa thượng Liễu Minh (tự Đức Tạng) kiến thiết và xây dựng. Đây là người có công đầu tiên trong việc xây đình và quy tụ người dân trong vùng phát triển nông nghiệp.

Đây được xem là điều "xưa nay hiếm" vì trước đó hầu như chưa có vị tu sĩ Phật giáo nào xây dựng đình nhưng không thờ vị anh hùng hay công thần nào của người Việt mà thờ một vị vua người Chăm tên là Pô Klong Garai và coi đây là vị Thần Hoàng của đình và làng Đắc Nhơn.

Gian tiền hiền thờ các vị có công lập làng, đóng góp xây dựng đình Đắc Nhơn. (Ảnh: Đức Cường)

Theo Thượng tọa Thích Hạnh Tú, trụ trì chùa Sắc Tứ Thiền Lâm ngày nay, xuất phát từ tinh thần nhập thế linh hoạt của Phật giáo để hóa độ chúng sinh, từ thực tế địa phương lúc bấy giờ từng là nơi trung tâm hành chính của văn hóa Chămpa… 

Do đó, vùng này có sự giao thoa văn hóa Việt - Chăm rất độc đáo nên Tổ Liễu Minh đã xây dựng đình Đắc Nhơn để ổn định lòng dân. Kể từ đó đình Đắc Nhơn trở thành"dấu ấn" đặc biệt thể hiện sự độc đáo qua việc thờ cúng vị vua  Pô Klong Garai của người Chăm và coi đây là vị Thành Hoàng của vùng này.

Đa phần kiến trúc xây dựng đình đều bằng gỗ và vẫn chưa có dấu hiệu mối mọt sau hớn 233 năm lịch sử. (Ảnh: Đức Cường)

Ngoài ra, nhân dân thôn Đắc Nhơn còn lưu truyền câu chuyện rằng, xưa kia vùng đất này là đồi dốc, khô hạn nên vị vua Pô Klong Garai của người Chăm là người có công trong dẫn thuỷ nhập điền. Nhờ đó, dân làng Đắc Nhơn nói riêng, bà con trong vùng nói chung mới có điều kiện khai khẩn đất hoang, phát triển sản xuất nông nghiệp.

Hệ thống cột kèo được thiết kế và điêu khắc đặc sắc mang kiến trúc văn hóa Chăm xưa. (Ảnh: Đức Cường)

Theo ông Phạm Chí Mạnh, phó Ban lễ nghi đình Đắc Nhơn, trải qua hơn 233 tuổi thăng trầm của lịch sử, đình Đắc Nhơn vẫn là nơi sinh hoạt, hội họp và tổ chức các nghi lễ trọng của dân làng Đắc Nhơn.

Hiện nay, Ban Quản lý đình vẫn duy trì các lễ nghi, lễ cúng hằng năm và mỗi năm thường có 6 dịp lễ cúng tại đình gồm: Rằm tháng giêng, rằm tháng 3 âm lịch tế xuân, rằm tháng 7 âm lịch, mùng 10/3 âm lịch cúng thu, rằm tháng 10 và 25 tháng 12 âm lịch. Trong đó, dịp cúng lớn nhất là vào ngày 10/3 âm lịch hàng năm.

Dịp này, toàn thể dân trong làng đều tham gia đóng góp vật chất, bỏ công, trang trí, dọn dẹp để phục vụ lễ cúng. Sau lễ sẽ có bữa cơm thân mật với bà con trong làng. Qua đó sẽ thắt chặt tinh thần đoàn kết trong dân làng, hướng đến cuộc sống bình an, phát triển.

"Thông qua các nghi thức cúng đình hằng năm cũng là dịp để dân làng Đắc Nhơn ghi nhớ công ơn của Thành Hoàng và các bậc tiền hiền có công. Đồng thời cũng là để lưu giữ và phát huy lịch sử. Qua đó, nhắc nhở con cháu đời sau tiếp tục giữ gìn và phát huy hơn nữa bản sắc văn hóa con người ở làng Đắc Nhơn…", ông Mạnh cho hay.

Xôi nấu từ chùa mang sang đình Đắc Nhơn cúng

Cũng theo ông Phạm Chí Mạnh, vào những ngày cúng trên, các bô lão trong làng thường đến thỉnh chư tăng chùa Thiền Lâm đến tụng kinh cầu nguyện, trước khi cử hành lễ tế thần vào sáng hôm sau.

Đình cổ Đắc Nhơn trở thành di tích lịch sử-văn hóa cấp Quốc gia từ năm 1999. (Ảnh: Đức Cường)

Trong các vật phẩm tế Thành Hoành không thể thiếu là mâm xôi nếp nấu tại chùa Thiền Lâm, được dâng trước bàn thờ Tổ Đức Tạng của chùa. Sau đó, mâm xôi nếp này mang sang đình Đắc Nhơn cúng Thần Hoàng.

"Lúc này, bà con chuẩn bị lễ vật từ chùa Thiền Lâm rồi được hai người khiêng, một người dùng lọng che mâm xôi rước từ chùa về đình(cách nhau khoảng 200m). Đặc biệt, những người tham gia nghi thức cúng thỉnh xôi phải thật trang nghiêm và thành tâm. Những người có tang không được tham gia hoặc đi vào trong khuôn viên của đình nhằm cầu mong mọi sự bình an với dân làng…", ông Mạnh chia sẻ.

Gian chính của cổ đình Đắc Nhơn ngày nay. (Ảnh: Đức Cường)

Theo ông Mạnh, ngoài ra, các lễ vật dâng cúng tại đình tuyệt đối không dùng thịt bò, vì vua Pô Klong Garai là người Chăm theo đạo Bàlamôn nên bò là vật cưỡi của thần Siva, nên phải kiêng thịt bò.

"Tại đình vẫn còn lưu giữ chiếc trống làm bằng da nai để sử dụng trong các nghi lễ cúng tại đình. Sở dĩ trống làm bằng da nai mà không phải da bò cũng vì lí do trên…", ông Mạnh tiết lộ.

Đình Đắc Nhơn được Bộ VHTTDL công nhận là Di tích lịch sử- Văn hóa cấp Quốc gia vào năm 1999.

Đình Đắc Nhơn cũng còn lưu giữ 8 sắc phong của các vua triều Nguyễn ban tặng và đầu tiên là vua Minh Mạng (1840). Kế đến vua Thiệu Trị 2 sắc (1843); Vua Tự Đức 2 sắc (1850); Vua Đồng Khánh (1887); Vua Duy Tân (1909) và Khải Định (1924).

Nguồn: danviet.vn

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu