Bác Ái phát triển du lịch, tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát triển
Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng là quan điểm chỉ đạo của Đảng bộ huyện Bác Ái, tiếp tục tạo thêm động lực, điều kiện để DL Bác Ái phát triển đúng tiềm năng, tạo động lực cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển.
Bác Ái nằm ở phía Tây Bắc tỉnh, là địa bàn có nhiều tiềm năng, lợi thế về du lịch (DL) được thiên nhiên ban tặng. Với khí hậu trong lành, mát mẻ đặc biệt là hệ sinh thái phong phú đa dạng, có những địa danh, văn hóa nổi tiếng như: Vườn quốc gia Phước Bình; di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia bẫy đá Pi Năng Tắc, đồng thời có bản sắc văn hóa lâu đời của dân tộc Raglai và Chu Ru hiện còn được bảo tồn lưu giữ. Nhờ đó, Bác Ái đang dần trở thành nơi thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, trải nghiệm khám phá. Nắm bắt được thực tế này, các điểm DL sinh thái trên địa bàn huyện Bác Ái đã được đầu tư, xây dựng, qua đó tạo nên sự đa dạng về loại hình tham quan, vui chơi để du khách trải nghiệm. Huyện cũng đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, đưa hình ảnh DL sinh thái, cộng đồng của địa phương để giới thiệu đến du khách trong và ngoài tỉnh biết nhiều hơn về Bác Ái, góp phần thúc đẩy ngành DL của huyện ngày càng phát triển. Đặc biệt, trong 3 năm triển khai Đề án phát triển DL cộng đồng trên địa bàn xã Phước Bình giai đoạn 2019-2022, đề án này bước đầu đưa du khách ngày càng đến nhiều với Bác Ái, bình quân mỗi năm tiếp đón từ 7.000-10.000 lượt khách tham quan, thu nhập xã hội từ hoạt động DL tăng trưởng bình quân 10%/năm.
Du khách đến tham quan tại thác Savin, xã Phước Hòa (Bác Ái). Ảnh: V.Miên
Tuy có sức hấp dẫn và thu hút cao, nhưng các điểm DL vẫn đang ở dạng tiềm năng chưa được đầu tư khai thác; các sản phẩm DL chưa rõ ràng và chưa thể hiện được dấu ấn bản sắc riêng của địa phương. Nhìn tổng thể lĩnh vực DL Bác Ái còn phát triển chậm, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế; cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ DL hạn chế; sản phẩm DL chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách; công tác xúc tiến, quảng bá DL còn nhiều hạn chế về nguồn lực, sự phối hợp và tính chuyên nghiệp, hiệu quả chưa cao...
Đồng chí Mẫu Thái Phương, Bí thư Huyện ủy, cho biết: Xác định phát triển DL là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, Đảng bộ huyện Bác Ái khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/HU về phát triển DL trên địa bàn huyện Bác Ái giai đoạn 2022-2025. Trọng tâm đẩy mạnh phát triển DL huyện Bác Ái, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế và giảm nghèo nhanh bền vững trên địa bàn huyện; tạo việc làm, nâng cao mức sống của người dân. Phấn đấu đến năm 2025, DL Bác Ái bước đầu đi vào hoạt động, khai thác một số loại hình DL sinh thái; cộng đồng; nông nghiệp; ưu tiên hoàn thiện các sản phẩm DL tại xã Phước Bình để khai thác có hiệu quả. Đến năm 2030, đưa lĩnh vực DL đóng góp đáng kể nguồn thu ngân sách của huyện nói chung và của các địa phương xã có dự án DL nói riêng; đưa DL Bác Ái trở thành điểm đến hấp dẫn trong hệ thống dịch vụ DL của tỉnh.
Người dân xã Phước Bình (Bác Ái) đầu tư kinh doanh du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Ảnh: Văn Nỷ
Để đạt được mục tiêu trên, trong thời gian đến, Bác Ái tập trung công tác tuyên truyền, làm cho mỗi cán bộ đảng viên và nhân dân toàn huyện nhận thức rõ về vai trò và lợi ích của công tác phát triển DL, nhận thức rõ DL là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao và nội dung văn hóa sâu sắc; có khả năng đóng góp lớn vào phát triển kinh tế, tạo nhiều việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo động lực cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển, đem lại hiệu quả nhiều mặt về kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, đối ngoại và an ninh, quốc phòng.
Cùng với đó, huyện tập trung hoàn thiện công tác quy hoạch các khu, điểm DL trọng điểm của huyện xác định cụ thể không gian quy hoạch, vị trí, địa điểm, quy mô từng dự án làm cơ sở thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tập trung xây dựng, hình thành 3 nhóm sản phẩm chính: Nhóm 1 phát triển các loại sản phẩm trải nghiệm trong hệ sinh thái thiên nhiên, qua đó đa dạng về sản phẩm DL; khai thác các khu vực có yếu tố nổi bật về khí hậu, địa hình đặc biệt tập trung trong khu vực Vườn quốc gia Phước Bình, thác Chapơr, núi Tà Năng; Suối Lạnh; vành đai các hồ thủy lợi: Sông Cái; Trà Co; Sông Sắt... Nhóm 2 phát triển DL văn hóa cộng đồng tại các xã có thế mạnh như Phước Bình; Phước Hòa; Phước Tân dựa trên cơ sở hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, đặc biệt là những sản phẩm đặc trưng của dân tộc Raglai (lễ hội, dân ca, dân vũ, ẩm thực, rượu cần, trái cây, nhà sàn lưu trú...) gắn với khai thác các giá trị di tích lịch sử như: Bẫy đá Pi Năng Tắc; quần thể núi Tà Năng,... Nhóm 3 phát triển DL nông nghiệp với các sản phẩm chính: Tham quan vườn trái cây (bưởi, chuối, sầu riêng; dưa lưới...); phát triển vùng nguyên liệu các loại thảo dược quý mang đậm dấu ấn vùng núi Bác Ái, vừa bảo tồn, phát huy thảo dược, vừa phục vụ DL gắn với các sản phẩm thủ công truyền thống tại các làng nghề đan lát (gùi, nỏ ná, đàn Chapi...). Đồng thời, tập trung huy động, thu hút các nguồn vốn đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng, tôn tạo bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, làng nghề, các giá trị văn hóa phi vật thể. Tăng cường nguồn nhân lực DL, kết hợp sử dụng nguồn lực ngân sách của huyện và huy động sự tham gia của toàn xã hội trong hoạt động xúc tiến, quảng bá DL.
Nguồn: baoninhthuan.com.vn