Tại sao nắng, gió lại là “đặc quyền”của tỉnh Ninh Thuận để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao?

21/03/2023 828 0

Tại sao nắng, gió lại là “đặc quyền”của tỉnh Ninh Thuận để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao?

Sở NNPTNT tỉnh Ninh Thuận vừa phối hợp với Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM tổ chức Hội thảo đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) trên địa bàn tỉnh.

Hội thảo có sự tham gia của các sở, ngành, đơn vị liên quan và hơn 100 đại biểu là các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.

Các đại biểu tham dự hội thảo. (Ảnh: M.H)

Nông nghiệp công nghệ cao ngày càng phát triển ở Ninh Thuận

Theo Sở NNPTNT Ninh Thuận, việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả toàn diện cả về quy mô, năng suất và sản lượng.

Cơ cấu ngành nông nghiệp đã có sự chuyển dịch theo hướng gia tăng giá trị sản xuất trên cùng đơn vị diện tích. Qua đó, từng bước hình thành một số cánh đồng lớn, vùng chuyên canh phục vụ công nghiệp chế biến, các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đến cuối năm 2022, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản trên địa bàn tỉnh đã tăng 4,21% so với năm 2021. Riêng tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng bình quân năm 2022 chiếm 39,6%. Tỉnh cũng này cũng đã quy hoạch 13 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô 4.306 ha.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 31 dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã đi vào hoạt động. Trong đó, có gồm 18 dự án trồng trọt, 3 dự án chăn nuôi, 8 dự án thủy sản, 2 dự án chế biến nông sản, cho sản phẩm và mang lại hiệu quả khá tích cực.

Theo Tiến sỹ Phan Công Kiên - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố (một trong những đơn vị tiên phong nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận), thời gian qua đơn vị đã tập trung nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao cho phát triển các cây trồng chính của tỉnh. Việc này có lợi thế cạnh tranh riêng của tỉnh Ninh Thuận, nhờ đó đã đạt được nhiều thành tựu kinh tế nổi bật.

Nho NH01-152 được nông dân trồng tại Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận. (Ảnh: Đức Cường)

Cũng theo Tiến sỹ Phan Công Kiên, nổi bật trong đó là nghiên cứu tuyển chọn thành công một số giống cây trồng đặc thù mới như: các giống nho dung cho ăn tươi  NH01-48, NH01-152 và các giống có triển vọng khác như NH01-16, NH01-96, NH04-102, NH01-126. Cùng với đó là các giống nho dùng để chế biến rượu  như NH02-97, NH02-137.

Ngoài ra còn có các giống nho không hạt, các giống táo TN01, TN05; giống măng tây xanh Aslat, Asticus,.. có năng suất cao, chất lượng tốt, thích nghi với điều kiện khí hậu tại Ninh Thuận. 

"Viện cũng bước đầu chọn lọc dòng và lai tạo các giống tỏi, hành tím; các giống dưa lưới, dưa lê và một số cây rau gia vị ăn lá để phục vụ cho nghiên cứu phát triển sản xuất trong thời gian tới...", Tiến sỹ Kiên cho hay.

Đưa nông nghiệp công nghệ cao thành kinh tế mũi nhọn

Tại hội thảo, các đại biểu sở, ngành, các chuyên gia, doanh nghiệp và đơn vị liên quan đã thảo luận và đề xuất một số giải pháp phù hợp với tình hình thực tế, giúp các chủ thể dễ tiếp cận để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đạt hiệu quả.

Trong đó tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền để tăng cường hợp tác trong nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Xuân Định tham quan vườn nho NH01-152 ở Thái An, huyện Ninh Hải. (Ảnh: Đức Cường)

Nhiều đại biểu cho rằng, việc liên kết, hợp tác để các nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân tham gia phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là phù hợp với tình hình hiện nay của Ninh Thuận. Bên cạnh đó cần rà soát, hoàn thiện chính sách phù hợp với tình hình thực tế, giúp các nông dân và doanh nghiệp dễ tiếp cận, để áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp cho hiệu quả.

Và những dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hoạt động có hiệu quả, sản xuất ra các mặt hàng nông sản có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và tỉnh, hướng đến xuất khẩu. Từng bước đưa nông nghiệp công nghệ cao trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế của tỉnh Ninh Thuận.

Từ những ưu thế trên, các cơ quan chức năng tỉnh Ninh Thuận phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có từ 3-5 vùng sản xuất được công nhận là vùng nông nghiệp công nghệ cao với diện tích khoảng 1.000 ha, giá trị sản xuất đạt 700 triệu đồng/ha.

Song song đó, là đưa tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt từ 30-40%/năm. 

Nông dân thu hoạch măng tây xanh tại cánh đồng lớn xã An Hải, huyện Ninh Phước. (Ảnh: Đức Cường)

Một trong những nơi đào tạo kỹ sư nông nghiệp lớn nhất nước là Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM cũng cử đại diện tham gia hội thảo trên.

Theo Tiến sĩ Trần Đình Lý- Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM-Giám đốc Phân hiệu Ninh Thuận thì nắng và gió là một lợi thế “đặc quyền” của tỉnh Ninh Thuận. Chính "đặc quyền" này là thuận lợi đưa nông nghiệp công nghệ cao của Ninh Thuận phát triển theo hướng “độc đáo- khác lạ - hấp dẫn".

Ứng dụng công nghệ cao và trồng dưa lưới

Một trong những người đi tiên phong trong ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin trong lĩnh vực trồng trọt là anh Phạm Võ Uyên Bác chủ trang trại FARA (thôn Nhị Hà 3, xã Nhị Hà (huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận).

Trang trại FARA có hệ thống nhà nhà màng, hệ thống tưới tiết kiệm, tự động điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm...Ảnh: PV

Theo anh Bác, mô hình trồng dưa lưới áp dụng công nghệ cao của anh rất hiệu quả và đang phát triển tốt là do thổ nhưỡng, khí hậu nắng và gió đặc trưng của tỉnh Ninh Thuận đã tạo nên những trái dưa lưới thơm ngon, mang hương vị đặc trưng, không nơi nào sánh bằng.

Nhiều năm làm việc trong cơ quan nhà nước, có thu nhập ổn định, nhưng đam mê nông nghiệp, cuối năm 2019, anh Bác xin nghỉ để cùng một số người bạn đầu tư vào trang trại trồng dưa lưới công nghệ cao với diện tích trên 1.000m2.

Vườn dưa anh Bác trồng trong nhà lưới nên không bị sâu bệnh. Nhờ áp dụng công nghệ bón phân cũng như tưới nước nhỏ giọt qua một chiếc ống nhựa nên hiệu quả rất tốt. Bao quanh trang trại, anh Bác cho trồng nhiều cây xanh chịu hạn, để môi trường xanh mát cho dưa phát triển, hiện đầu ra rất ổn định,…

Nguồn: danviet.vn

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu