Ninh Thuận tung ra thị trường những sản phẩm du lịch độc đáo, ăn ngủ với cừu và lều Mông Cổ
Các điểm du lịch Ninh Thuậnliên tục tung ra những sản phẩm độc đáo mà những nơi khác không thể có được. Du khách sống đời du mục cùng đàn cừu lang thang trên thảo nguyên xanh, tối đốt lửa trại, ăn thịt nướng, ngủ trong lều Mông Cổ, sáng tắm lặn biển ngắm san hô…
Du khách đến Ninh Thuận sẽ trải nghiệm khi được tận tay cho cừu ăn và cùng rong ruổi với đàn cừu xuyên qua thảo nguyên xanh và buổi tối đắm mình trong “Vương quốc Mông Cổ” đốt lửa trại, nướng thịt dê tươi trên bếp than hồng nhâm nhi rượu nho…
Du lịch Ninh Thuận: Hẹn gặp nhau ở “miền sa thảo”
Ngay sau khi “Thảo nguyên cây gai” có một không hai ở Ninh Thuận đón bằng công nhận khu dự trữ sinh quyển thế giới, nhiều khách du lịch và dân phượt ở TP.HCM lên kế hoạch dịp nghỉ 30/4 và 1/5 sắp tới sẽ làm một chuyến đi Ninh Thuận để đắm mình trong những sản phẩm du lịch, độc lạ…
Nhiều nhóm bạn rủ nhau trên mạng xã hội hạn gặp nhau ở “miền sa thảo” Ninh Thuận để tận hưởng các sản phẩm du lịch độc đáo như: Rủ nhau lên Núi Chúa thả bom; Xuống vịnh Vĩnh Hy tắm biển và ngắm san hô; Một ngày làm du mục, tận tay cho cừu ăn; Tối đốt lửa trại, nướng thịt dê trên than hồng và ngủ trong túp lều của người Mông Cổ…
Chị Nguyễn Thảo Nhi nhà ở TP. Thủ Đức (TP.HCM) cho biết, nhóm 4 gia đình (mỗi gia đình 4 người gồm 2 vợ chồng và 2 đứa con) bạn bè chị đã chuẩn bị cho chuyến dã ngoại ở Ninh Thuận sắp tới rất chu đáo. Cả nhóm thuê xe 28 chỗ ngồi và đợi ngày xuất phát với chương trình 4 ngày 3 đêm. Nếu tham gia đủ các chương trình trên và không phát sinh gì thêm thì trung bình mỗi gia đình tốn hơn chục triệu và ăn, ở khách sạn 3 sao trở lên.
“Giá mềm như vậy, là do chúng tôi đặt trước với các dịch vụ ở Ninh Thuận. Mặc khác hải sản và thức ăn ở Ninh Thuận ngon nhưng thường rẻ hơn nơi khác. Nếu đi tỉnh khác thì số tiền trên sẽ không đủ. Chuyến đi này, tôi sẽ cho các con trải nghiệm với nghề chăn cừu, tối đốt lửa trại, nướng thịt dê và ngủ trong lều Mông Cổ. Ở Sài Gòn làm sao có được những trải nghiệm này…”, chị Thảo Nhi nói.
Còn nhóm 3 gia đình của anh Lê Trung ở quận Gò Vấp (TP.HCM) cũng háo hức chờ đến ngày xuất phát. Chị Thanh Mai (vợ anh Trung) cho biết, xem báo chí và truyền hình đưa tin nói “Miền sa thảo” và “Thảo nguyên cây gai” ở Ninh Thuận, các con chúng tôi rất háo hức nên chuyến đi sắp tới để tận mắt chứng kiến.
“Tôi sẽ cho các cháu lặn xem san hô ở vịnh Vĩnh Hy, ăn trưa trên làng bè ở trên vịnh. Sau đó tham quan công viên đá ở Vườn Quốc gia Núi Chúa. Mấy hôm nay, thông qua người quen ở Ninh Thuận tôi đã đặt trước, nên giá rất hữu nghị…”, Chị Thanh Mai chia sẻ.
Nhóm bạn sinh viên đang học chuyên ngành du lịch của Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM cũng hẹn nhau lên Núi Chúa “thả bom” và tham quan công viên đá.
“Đợt này, nhóm tui em em sẽ mang một người 20 quả bom hạt giống lên Núi Chúa thả vào triền núi. Trước khi thả em sẽ cầu nguyện cho những hạt giống này được nảy mầm, sinh trưởng tốt.
Lớn lên thành cây cổ thụ vững vàng trước phong ba bão tố, có ích cho môi trường thiên nhiên. Việc này giống như em, lúc nào cũng hy vọng cho tất cả bạn cùng lớp ra trường, được trưởng thành, làm người tốt, giúp ích cho xã hội…”, bạn Bích Ngọc sinh viên năm thứ 4 chia sẻ.
“Bom hạt giống” là một viên đất sét được trộn với phân, nước, bên trong chứa hạt giống cây rừng. Đây là sản phẩm được Vườn quốc gia Núi Chúa áp dụng thả trên Núi Chúa nhằm tái tạo hệ thực vật rừng, tăng thêm cây xanh cho vùng núi khô cằn, nhiều đá. “Bom hạt giống” có kích thước nhỏ, nằm gọn trong lòng bàn tay nên rất tiện để du khách mang theo và ném, rải ở những khu vực phù hợp do nhân viên hay hướng dẫn viên chỉ dẫn.
Theo các chuyên gia, du lịch Ninh Thuận được ví như “miền sa thảo độc nhất Đông Nam Á” với bờ biển dài hơn 105 km. Ninh Thuận được thiên nhiên ban tặng nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng về sinh học và nhiều thắng cảnh nổi tiếng như: bãi biển Bình Sơn – Ninh Chử, biển Mũi Dinh, biển Bình Tiên, Vườn Quốc gia Núi Chúa, Vườn quốc gia Phước Bình và đặc biệt là “tiểu sa mạc” Nam Cương rộng hơn 700 ha.
Không phô trương như Đồi cát Mũi Né, nhưng đồi cát Nam Cương lại lặng lẽ uốn mình trong sự lạnh lùng của gió trời, của nắng mới, nấp mình sau những con đường mòn những rặng tre, những vườn táo, giàn nho… Trải qua hàng trăm năm, đồi cát Nam Cương vẫn giữ nguyên được vẻ đẹp hoang sơ và đây cũng là nơi in hằn bao dấu chân, vết tích của một nền văn hóa, lịch sử lâu đời của người Champa xưa và người Chăm ngày nay.
Nguồn: webtin60s.com