Gốm Bàu Trúc tại Mỹ Sơn
Tại Khu di tích Mỹ Sơn (Duy Xuyên), gốm Bàu Trúc (Ninh Thuận) đã trở thành sản phẩm đặc trưng góp phần mang đến sự đa dạng, độc đáo cho các dịch vụ du lịch nơi đây.
Gốm trong các hoạt động dịch vụ, trình diễn văn nghệ tại Khu di tích Mỹ Sơn.
Trong tiếng kèn saranai rộn rã, tiếng trống ginăng thúc giục những diễn viên Đội múa dân gian Chăm Mỹ Sơn nhịp nhàng trong điệu múa đội nước dâng cúng thần linh. Những bình gốm sóng sánh nước thiêng lấy từ dòng suối Khe Thẻ in bóng trời mây giữa không gian thâm nghiêm dưới chân cổ tháp.
Dòng gốm khác biệt
Tồn tại từ khoảng cuối thế kỷ 12 đến nay, gốm Bàu Trúc (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) trở thành một trong số ít làng gốm còn lưu giữ cách thức sản xuất truyền thống.
Cùng với gốm Bình Đức, gốm Bàu Trúc được xem là đại diện tiêu biểu cho dòng gốm Chăm Ninh Thuận. Nếu như gốm Thanh Hà thợ chuốt gốm trên những bàn xoay thì gốm Bàu Trúc người thợ lại đi quanh khối đất để nặn thành sản phẩm.
Không chỉ là vật dụng thông thường phục vụ đời sống hàng ngày, gốm Bàu Trúc cũng hàm chứa giá trị tín ngưỡng, được nghệ nhân tỉ mẩn gửi vào mỗi tác phẩm trong quá trình chế tác.
Ở gốm Bàu Trúc, dễ dàng bắt gặp nhiều bình hoa, ấm nước, chum, vại… với đa dạng hoa văn điêu khắc đắp nổi hình răng cưa, sóng lượn, hoa lá, vũ nữ Apsara, vũ điệu thần Shiva, sinh thực khí linga-yoni...
Tại Khu di tích Mỹ Sơn, sau gần 25 năm phát triển du lịch, gốm Bàu Trúc xuất hiện khá nhiều trong các hoạt động dịch vụ; là vật phẩm lưu niệm độc đáo, thu hút sự quan tâm của khách tham quan.
Ông Phan Hộ - Giám đốc Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn nhìn nhận, gốm Bàu Trúc ngoài thể hiện đậm nét văn hóa Chăm còn giá trị ở sự độc bản. Đặc biệt, do được nung lộ thiêng bằng rơm và củi phủ đốt bên trên nên màu sắc gốm thường không đồng nhất bởi phụ thuộc vào nhiệt độ, khói lửa gốm tiếp xúc. Hầu hết gốm Bàu Trúc có màu vàng đỏ, đỏ hồng, nâu hoặc đen xám ám khói.
Riêng với một số sản phẩm mỹ nghệ, nghệ nhân có thể sử dụng cách tạo màu tự nhiên như rưới, phun nước hạt điều, nước cây thị nhằm tạo ra sản phẩm riêng biệt. Hàng nghìn mẫu sản phẩm Bàu Trúc đã được du khách ưa thích chọn mua mang đi khắp thế giới.
Giá trị độc đáo
Người Chăm quan niệm múa hát cũng chính là cách thức kết nối của hiện tại với thế giới siêu nhiên, giữa con người và thần linh. Thông qua vũ điệu, người Chăm gửi gắm những khát vọng đến đấng siêu nhiên, cầu mong mưa thuận gió hòa, xóm làng yên ấm.
Trong các chương trình văn nghệ dân gian phục vụ du khách tham quan Mỹ Sơn, hình tượng bình gốm Chăm đã được sử dụng trong một số tiết mục như múa đội nước hay trích đoạn lễ hội Rija Prong.
Trong đó, múa đội nước được xem là điệu múa độc đáo của người Chăm dựa trên sự kết hợp khéo léo giữa động tác múa của chim công với công việc lao động thường ngày của người phụ nữ Chăm. Đồng thời điệu múa này cũng phản ánh các nghi thức tắm gội thần linh của người Chăm trong các dịp tế lễ.
Theo nghệ sĩ Thập Hữu Lưu - Đội văn nghệ dân gian Chăm (Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn), để trình diễn điệu múa này, các phụ nữ Chăm phải đội trên đầu bình gốm đựng nước được lấy từ dòng suối thiêng. Do đó, điệu múa đội nước còn là nghi thức tín ngưỡng tại các lễ hội truyền thống của cộng đồng người Chăm.
“Trong chương trình văn nghệ dân gian Chăm phục vụ khách tham quan Mỹ Sơn, hình tượng bình gốm xuất hiện tương đối phổ biến. Ấn tượng nhất chính là trích đoạn lễ hội Rija Prong và tiết mục múa đội nước dưới chân tháp dâng hiến thần linh.
Dù chỉ mang tính trình diễn nhưng thông qua các nghi thức, vũ điệu của các diễn viên đã giúp khắc họa rõ hơn hình tượng gốm Bàu Trúc cùng dấu ấn văn hóa Chăm trên vùng đất thánh địa gắn cùng tiến trình hình thành phát triển vương quốc Champa xưa” - ông Thập Hữu Lưu phân tích.
Ông Phan Hộ cho biết, thông qua các hoạt động, dịch vụ như hàng lưu niệm, trình diễn làm gốm, văn nghệ dân gian Chăm… gốm Bàu Trúc đã thật sự hòa vào không gian di sản mang đến sự khác biệt cho các hoạt động du lịch Mỹ Sơn. “Bên cạnh xuất hiện trong các trích đoạn văn nghệ dân gian Chăm, gốm Bàu Trúc cũng chính là vật phẩm lưu niệm độc đáo trên các quầy hàng.
Hiện tại, chúng tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu khai thác thêm những khía cạnh văn hóa vật thể và phi vật thể của gốm Chăm bổ sung vào hoạt động dịch vụ. Bởi đây là những yếu tố gắn kết giá trị lịch sử và di sản, góp phần mang đến sự độc đáo, khác biệt của Mỹ Sơn so với nơi khác” - ông Phan Hộ chia sẻ.
Nguồn: baoquangnam.vn