Làng gốm Bàu Trúc: Hồn đất người Chăm còn lưu giữ
Ở vùng đất đầy nắng và gió như Ninh Thuận có một nơi không chỉ lưu giữ nét đẹp riêng biệt, độc đáo của nghề gốm có từ gần cả ngàn năm trước, mà còn lưu giữ cả hồn đất của người Chăm, đó là làng gốm Bàu Trúc.
1. Tôi đến làng gốm Bàu Trúc - nằm kề cận Quốc lộ 1A ở thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước (tỉnh Ninh Thuận), vào một buổi trưa giữa mùa xuân, trong cái nắng tê người và cả cái gió lồng lộng như bất tận. Giữa tiết trời oi ả nhưng không khí làng nghề truyền thống lại nhộn nhịp các đoàn xe chở du khách ra vào tham quan.
Ông Vạn Quan Phú Đoan, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX sản xuất thương mại và dịch vụ Gốm Chăm Bàu Trúc, bày tỏ niềm hãnh diện về những nét riêng biệt của sản phẩm gốm Bàu Trúc.
Từ khi nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm được đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, số lượng khách tham quan làng gốm Bàu Trúc ngày càng nhiều. Nhất là các dịp lễ hội, sản phẩm gốm Chăm được tiêu thụ nhanh chóng.
Làng gốm Bàu Trúc được xem là một trong những làng gốm cổ xưa, có tuổi đời lâu nhất tại khu vực Đông Nam Á và vẫn còn lưu giữ đến ngày nay. Chính vì vậy, nơi đây đã được xếp vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Nhất là nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh vào danh mục “Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”, đã tạo động lực đưa sản phẩm làng gốm này phát triển lên tầm cao mới.
Tương truyền, gần ngàn năm trước chính Po K’long Chank, một người bạn thân, đồng thời cũng là quan cận thần của vị vua Vương quốc ChămPa là Po K’long Giarai (1151-1205), đã dạy người dân Bàu Trúc cách lấy đất, nặn rồi nung thành những vật gia dụng.
Nghề làm gốm ở đây, trước kia chủ yếu do phụ nữ đảm nhiệm, đàn ông làm những việc nặng nhọc hơn là đào đất, nung gốm và gánh gốm hoặc chở đi bán. Phụ nữ Bàu Trúc lớn lên là đã được mẹ hướng dẫn làm gốm và cứ thế, đời nối đời “mẹ truyền con nối”, nghề gốm ở ngôi làng cứ mãi lưu truyền đến ngày nay.
Người dân nơi đây coi Po K’long Chank là tổ của nghề gốm và mình là con cháu của Po. Hàng năm vào dịp lễ hội Katê (khoảng từ cuối tháng 9 đến tháng 10 dương lịch) sẽ có đoàn rước kiệu đầy màu sắc từ Nhà Làng ở làng gốm Bàu Trúc ra Đền thờ Po K’Long Chank cách đó gần 2 km.
2. Theo chân ông Vạn Quan Phú Đoan, người dân tộc Chăm, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX sản xuất thương mại và dịch vụ Gốm Chăm Bàu Trúc, tôi có dịp mục sở thị đôi bàn tay khéo léo của những nghệ nhân lâu năm gắn bó bền bỉ với làng gốm Bàu Trúc.
Đôi bàn tay khéo léo của một nữ nghệ nhân lớn tuổi ở làng gốm Bàu Trúc.
Điều mà tôi có ấn tượng đặc biệt với hoa văn trang trí trên gốm Bàu Trúc là những đường chạm khắc hay đắp nổi mang đậm nét văn hóa ChămPa, thế nhưng người thợ hầu như không cần bản vẽ, họ tự do phóng khoáng gửi tâm hồn mình vào trong từng nét khắc hoa văn…
Ông Đoan cho biết nét đặc trưng của làng gốm Bàu Trúc là những sản phẩm được làm hoàn toàn bằng thủ công với cách nung độc đáo, đơn giản và mộc mạc của người thợ mà chỉ nơi đây mới có. Những nghệ nhân làm gốm sử dụng tay chân là chủ yếu, không cần bàn xoay, với sức người đã nặn nên nhiều nồi, bình, chén, tượng, chum, lọ…đủ các kích cỡ, hình thù khác nhau vô cùng chất lượng và đẹp mắt.
Để hoàn thành sản phẩm gốm Bàu Trúc, như chia sẻ của vị chủ tịch HTX, sẽ phải trải qua 6 công đoạn. Thứ nhất là làm đất (ngâm đất trong lu), đất được khai thác tại ruộng lúa bên bờ sông Quao, nơi có đất sét dẻo, mịn và nhiều đặc tính đặc biệt khác. Thứ hai là tạo đất (lấy đất và cát pha lại với nhau để tạo ra nguyên liệu làm gốm). Thứ ba là công đoạn khó nhất, người thợ sẽ lấy để tạo hình sản phẩm gốm theo cách thức thủ công quen thuộc của họ với đặc thù khác biệt với những làng gốm khác là không dùng bàn xoay mà là “nắn bằng tay, xoay bằng hông”. Thứ tư là công đoạn chỉnh sửa và tạo hoa văn. Thứ năm là công đoạn phơi. Thứ sáu là công đoạn đốt lò và tạo màu (dùng nước lá cây với nhiều loại màu tạt vào sản phẩm gốm).
Riêng về nguồn đất để làm gốm ở Bàu Trúc, ông Đoan hãnh diện nói rằng “đất làm gốm của chúng tôi là đặc biệt nhất”. Nếu như các làng gốm truyền thống khác ở Việt Nam khi khai thác đất ở địa phương để có nguồn nguyên liệu làm gốm thì chắc chắn một điều là mặt bằng lấy đất sẽ trũng xuống, còn điều đặc biệt với làng gốm Bàu Trúc là chỉ lấy trên đất làm ruộng với khoảng diện tích 4ha mà thôi.
Cụ thể, tranh thủ ngay sau mùa gặt lúa, những người thợ sẽ đến lấy đất ở tầng độ sâu 20cm đổ xuống, sau đó giao lại mặt bằng cho bà con trồng lúa. Với phương thức “đất tự mọc đất”, các ô đất được phân chia theo từng vụ canh tác để lấy đất một cách phù hợp, nên nguồn đất làm gốm không bao giờ hết.
3. Tôi cũng vui lây với vị Chủ tịch HTX sản xuất thương mại và dịch vụ Gốm Chăm Bàu Trúc khi được biết, sản phẩm gốm của làng gốm Bàu Trúc nói chung và của HTX nói riêng trong nhiều năm nay đã tham gia xuất khẩu vào các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản. Nhờ đó đã mang lại thu nhập đáng kể cho các nghệ nhân người Chăm nơi đây. Và gần đây nhất, một số doanh nghiệp Ấn Độ đã đến trao đổi, tìm hiểu về sản phẩm gốm tại Bàu Trúc và HTX đang sản xuất một mặt hàng gốm chào hàng cho một doanh nghiệp Ấn Độ.
Tuy nhiên, có một thách thức lớn cho sản phẩm gốm Bàu Trúc khi xuất khẩu là vì đây là những sản phẩm thủ công, được làm bằng tay, trong khi muốn hoàn thành một lô hàng xuất khẩu đòi hỏi đáp ứng các khâu kiểm tra, kiểm định. Chẳng hạn như trong một lô hàng, bộ phận kiểm tra lấy đột xuất 2 - 3 sản phẩm để kiểm tra với đòi hỏi phải giống nhau. Thế nhưng, theo chia sẻ của ông Đoan, do mỗi sản phẩm là “tác phẩm nghệ thuật” của nghệ nhân người Chăm, nên từng sản phẩm một sẽ không bao giờ giống nhau. Việc này làm cho khâu thủ tục xuất khẩu đôi lúc gặp khó.
Ở làng gốm Bàu Trúc hiện nay có hai dòng sản phẩm chính là gốm gia dụng và gốm mỹ nghệ với thị trường tiêu thụ khắp cả nước. Làng gốm hiện có 2 HTX và 11 cơ sở sản xuất, kinh doanh gốm cùng khoảng 300 hộ dân gắn bó với nghề làm gốm.
Với xu hướng tiêu dùng xanh như hiện nay, một số thị trường nhập khẩu đang đòi hỏi sản phẩm gốm gia dụng ở làng gốm Bàu Trúc phải là sản phẩm hữu cơ (Organic), mà muốn được điều này thì đòi hỏi nguồn đất làm gốm phải đạt chuẩn Organic. Và hiện tại đất làm gốm ở Bàu Trúc là đất trồng lúa, muốn có đất Organic thì lúa cũng phải là Organic.
Với tính liên hoàn như thế thì phía HTX ở đây đã và đang đáp ứng được yêu cầu từ đối tác nhập khẩu, cũng như giúp cho hoạt động canh tác trồng lúa hữu cơ tại địa phương ngày thêm phát triển. Bên cạnh đó, hai HTX ở làng gốm này đã và đang phát huy được vai trò huy động các nguồn lực đầu tư nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm, tăng thu nhập, đảm bảo cuộc sống cho các người thợ gắn bó với làng gốm cổ truyền Bàu Trúc - là nơi lưu giữ hồn đất của đồng bào người Chăm.
Nguồn: vnbusiness.vn