Với mục tiêu đón 3,2 triệu lượt du khách trong năm 2024, Ninh Thuận đã hợp tác với nhiều tỉnh, thành phố để xây dựng các chương trình, tour, tuyến du lịch riêng biệt
Ninh Thuận có bờ biển trải dài 105 km cùng những dãy núi cao hướng ra Biển Đông, tạo nên những vịnh biển xanh-cát trắng-nắng vàng, như bãi tắm Ninh Chữ, Bình Tiên, Cà Ná; đồi cát Nam Cương, Mũi Dinh trải dài, mềm mại như dải lụa vô tận,... Vịnh Vĩnh Hy năm 2020 đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích danh thắng cảnh quốc gia, được đánh giá là một trong bốn vịnh đẹp nhất Việt Nam (cùng với Vịnh Hạ Long-Quảng Ninh, Lan Hạ-Hải Phòng và Lăng Cô-Thừa Thiên Huế), Vườn quốc gia Núi Chúa (được UNESCO công nhận là Khu sinh quyển thế giới) và Vườn quốc gia Phước Bình có hệ sinh thái đặc thù, đang bảo tồn hàng trăm loài động, thực vật, rùa biển... quý hiếm.
Lễ hội Katê Ninh Thuận không chỉ thu hút sự tham gia của cộng đồng người Chăm mà còn hấp dẫn nhiều du khách.
Văn hóa các dân tộc anh em tại Ninh Thuận, như: Lễ hội Katê hằng năm gắn với các công trình kiến trúc tháp Chăm còn tồn tại tương đối nguyên vẹn; các tập tục hay (như: lễ bỏ mả, lễ ăn đầu lúa gắn với nghệ thuật đánh mả la, thổi khèn bầu, đàn đá, đàn Chapi của đồng bào Ra Glai; lễ cầu ngư, hội đua thuyền, lắc thúng... của ngư dân vùng biển)... lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc. Cùng với 51 địa danh du lịch, Ninh Thuận là một trong số ít điểm đến tổ chức lướt ván diều tốt nhất thế giới với tốc độ gió 25 hải lý/giờ. Với địa hình chủ yếu là những đồi cát và núi cao vươn ra biển, Ninh Thuận còn là thiên đường cho những trải nghiệm du lịch thể thao mạo hiểm như: Đua xe trên đồi cát, dù lượn, trekking,...
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Ninh Thuận Lê Kim Hoàng cho biết, nhiều dự án có quy mô lớn, đẳng cấp cao (như: Khu du lịch sinh thái Nam Núi Chúa, Khu du lịch Long Thuận, TTC Resort Premium-Ninh Thuận...) đi vào hoạt động rất hiệu quả. Tỉnh đã triển khai xây dựng quy hoạch Khu du lịch quốc gia đến năm 2045 gắn với những lợi thế khác biệt.
Với chiến lược đặt ra, Ninh Thuận đã tổ chức thành công các hội nghị xúc tiến, tham gia nhiều hội nghị quảng bá và ký kết các chương trình phát triển du lịch với Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh..., qua đó, giới thiệu nhiều sản phẩm du lịch mới, như: Phát triển bộ môn lướt ván diều ở vùng biển huyện Ninh Hải; tham quan đồi cát Nam Cương, Mũi Dinh, huyện Thuận Nam; du lịch nông nghiệp công nghệ cao tại các vườn nho, vườn táo, trang trại trồng hoa lan; làng sen Mỹ Nghiệp, huyện Ninh Phước; du lịch cộng đồng tại làng bích họa Hòn Thiên, Khu du lịch sinh thái cộng đồng Núi Chúa Láng Me, đồng cừu An Hòa, đồi cừu Thành Sơn, huyện Ninh Hải... và hoạt động sân golf Nara Bình Tiên,... được du khách quốc tế chọn là điểm đến ưa thích, giới truyền thông và các hãng lữ hành trong nước đánh giá cao. Toàn tỉnh có 212 cơ sở lưu trú du lịch với 4.686 phòng. Tính đến tháng 4/2024, trong số 56 dự án du lịch, với tổng vốn đăng ký hơn 52.469 tỷ đồng, đã có 23 dự án đã đưa vào hoạt động, 20 dự án đang triển khai thi công và 13 dự án đang hoàn tất thủ tục đầu tư.
Gian hàng của tỉnh Ninh Thuận tại Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam (VITM Hà Nội).
Sản phẩm du lịch cộng đồng kết hợp trải nghiệm khác biệt
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Long Biên, với những khác biệt, như: khám phá và vui chơi giải trí cát-muối; săn bắn bán hoang dã,... nhiều sản phẩm du lịch cộng đồng độc đáo đã trở thành thương hiệu nổi tiếng (tour tham quan làng nho Thái An, huyện Ninh Hải; các trang trại táo, nho, huyện Ninh Phước; vườn trái cây sinh thái Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn; cánh đồng cừu, huyện Ninh Hải, Bác Ái; mô hình khu du lịch văn hóa sinh thái hồ sen gắn với tìm hiểu văn hóa đồng bào Chăm, huyện Ninh Phước; mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn tại xã Phước Bình gắn với tìm hiểu văn hóa đồng bào Ra Glai, huyện Bác Ái...) đã đem lại thu nhập cho nhiều hộ dân ở một số làng quê và trở thành điểm đến không thể bỏ qua đối với du khách trong nước và quốc tế.
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Ninh Thuận Trương Văn Tiến, cho biết: Năm 2024, đơn vị đề ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, 15 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá và 64 nhiệm vụ chủ yếu, thường xuyên để triển khai thực hiện vai trò hỗ trợ thúc đẩy, xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch, với tinh thần đổi mới tư duy, năng động, sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến du lịch trên các ứng dụng nền tảng số, quảng bá hình ảnh đến với các doanh nghiệp, du khách trong nước và thị trường khách du lịch quốc tế.
Mới đây, trung tâm đã tổ chức Chương trình gặp gỡ doanh nghiệp du lịch tỉnh Ninh Thuận và Đoàn Famtrip với 20 thành viên là lãnh đạo Hiệp hội Du lịch và đại diện các doanh nghiệp lữ hành tại thành phố Gwangju và Đoàn Hiệp hội thể thao giải trí biển thành phố JEJU (Hàn Quốc) khảo sát các điểm đến du lịch tiêu biểu, các di sản thiên nhiên, văn hóa đặc sắc của tỉnh Ninh Thuận để kết nối với các đơn vị lữ hành, du khách Hàn Quốc đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa, vịnh Vĩnh Hy,...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Long Biên tặng quà lưu niệm cho các doanh nghiệp Hàn Quốc.
Giới thiệu về các sản phẩm du lịch nổi tiếng tại Ninh Thuận, ông Lê Hoàng Trụ - Giám đốc Ninh Chữ Travel Life chia sẻ, các sản phẩm du lịch truyền thống của Ninh Thuận rất đa dạng và phong phú. Ví dụ như, các công trình kiến trúc tháp Chăm gắn với Lễ hội Katê của người Chăm... với nghệ thuật ca múa nhạc dân gian đặc sắc, có làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, làng gốm Bàu Trúc với truyền thống lâu đời…Trong đó, Ninh Thuận có bãi biển Ninh Chữ và vịnh Vĩnh Hy rất đẹp.
"Ngoài ra, Ninh Thuận còn được du khách yêu thích với các sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm thực tế với vườn nho, cánh đồng muối,...sẽ được lồng ghép trong các chương trình tour truyền thống." - đại diện Ninh Chữ Travel Life thông tin.
Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đã xác định 5 trụ cột phát triển, trong đó, năng lượng tái tạo và du lịch là hai trong những mũi nhọn kinh tế của tỉnh
Tác giả: Diễn đàn Doanh nghiệp điện tử