Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 31/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch (DL) Ninh Thuận trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Với tinh thần đoàn kết, quyết tâm, nỗ lực, trách nhiệm của toàn Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh; sự nỗ lực của các sở, ngành, địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển DL đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Đến cuối năm 2023, lượng khách DL đến tỉnh gấp 2,46 lần so với năm 2020, đạt 82,8% mục tiêu đến năm 2025; doanh thu DL gấp 2,6 lần so với năm 2020, tăng bình quân giai đoạn 2021-2023 là 34,1%/năm, đạt 79,3% mục tiêu đến năm 2025; 10 tháng năm 2024 đón hơn 3,27 lượt khách, tăng 19,4% so cùng kỳ, đạt 102,5% so với kế hoạch; trong đó, khách quốc tế ước đạt 97.000 lượt, tăng 212% so cùng kỳ, đạt 97% so với kế hoạch; thu nhập xã hội từ hoạt động DL ước đạt 3.730 tỷ đồng.
Du khách tham quan Khu du lịch Vĩnh Hy, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải). Ảnh: V.M
Đồng chí Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Nhằm đảm bảo thực hiện đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết 04-NQ/TU đề ra, ngành DL tỉnh tiếp tục rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư để đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án DL trọng điểm, để sớm đưa vào hoạt động trong năm 2025.
Đẩy nhanh công tác quy hoạch các khu, điểm DL, khu nghỉ dưỡng gắn với tiềm năng, lợi thế. Hoàn thiện, phê duyệt và thực hiện có hiệu quả các khu DL như: Khu DL Vĩnh Hy, khu DL quốc gia Ninh Chữ, khu DL ven biển phía Nam, phân khu DL bãi biển Bình Sơn - Ninh Chữ quy hoạch chung xây dựng đô thị Cà Ná... đồng thời rà soát, bổ sung các điểm, khu DL của các huyện, thành phố. Tăng cường liên kết hợp tác phát triển DL với các tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước; xây dựng, thiết lập chuỗi giá trị DL mang tầm thương hiệu quốc gia, góp phần mở rộng không gian DL, đa dạng, kết nối các sản phẩm liên vùng, tăng sức hấp dẫn điểm đến. Rà soát đánh giá cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển DL, kịp thời điều chỉnh, bổ sung đảm bảo đúng quy định của pháp luật, hiệu quả và khả thi khi triển khai thực hiện.
Du khách nghỉ dưỡng tại Hòn Cò-Cà Ná (Thuận Nam). Ảnh: Văn Nỷ
Hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp DL xây dựng các sản phẩm DL mới, hấp dẫn, có sức cạnh tranh cao; đặc biệt là khai thác phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển DL, tạo sản phẩm DL mang tính đặc thù riêng của Ninh Thuận. Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nhân lực hoạt động trong lĩnh vực DL và các lĩnh vực hoạt động bổ trợ cho DL theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng; từng bước chuẩn hóa chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp và thực tế xã hội. Quan tâm huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở vật chất kỹ thuật DL; triển khai rà soát, đánh giá, xây dựng kế hoạch tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa, lễ hội truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh, đáp ứng nhu cầu văn hóa, tín ngưỡng tôn giáo, gắn với phát triển DL bền vững. Tiếp tục đẩy mạnh và đa dạng hóa các hoạt động xúc tiến, quảng bá DL Ninh Thuận thông qua các hội chợ, hội nghị, hội thảo; các kênh truyền thông như: Báo chí, cổng thông tin điện tử, mạng xã hội; các sự kiện văn hóa, thể thao và DL trong và ngoài tỉnh...
Thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh dịch vụ DL trên địa bàn tỉnh đảm bảo đúng quy định của pháp luật; kịp thời phát hiện chấn chỉnh những sai phạm trong hoạt động kinh doanh dịch vụ DL, giải quyết khó khăn, vướng mắc, đề ra các giải pháp tiếp tục thực hiện cho thời gian tiếp theo. Chủ động thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm và đảm bảo an toàn cho du khách. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động DL; tập trung số hóa và khai thác sử dụng hiệu quả cơ sở dữ liệu, quy trình quản lý, tổ chức hoạt động ngành DL; đẩy mạnh phương thức giao dịch thanh toán trực tuyến trong cung ứng, sử dụng các dịch vụ DL.
Nguồn: Báo điện tử Ninh Thuận