Ninh Thuận: Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng các lĩnh vực trọng tâm, đột phá

16/12/2024 233 0

Ninh Thuận: Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng các lĩnh vực trọng tâm, đột phá

Ninh Thuận tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho DN, cải thiện môi trường đầu tư một cách mạnh mẽ, ưu tiên thúc đẩy các lĩnh vực trọng tâm, đột phá, đưa Ninh Thuận phát triển bền vững.

Năm 2025, tỉnh Ninh Thuận phấn đấu tăng trưởng GRDP đạt từ 13-14%.

Phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt từ 13-14%

Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, thực hiện phương châm“Đoàn kết kỷ cương, linh hoạt sáng tạo, tăng tốc hiệu quả”, Ninh Thuận đã bám sát tình hình thực tiễn, tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt 3 khâu đột phá và 6 ngành, lĩnh vực trọng tâm ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng với 36 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá; 191 nhiệm vụ cụ thể và 54 công trình/dự án động lực quan trọng.

Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo tại vùng dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 ở thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh (Thuận Nam).

Năm 2024, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh tăng 8,74%; Ninh Thuận xếp thứ 4/14 tỉnh, thành phố khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung; vị trí 16/63 tỉnh, thành phố toàn quốc; 12/18 chỉ tiêu được HĐND tỉnh giao đạt và vượt kế hoạch.

Các "điểm nghẽn" về đất đai từ trước được tháo gỡ; các dự án trọng điểm, động lực được tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ; công tác xúc tiến, thu hút đầu tư được đẩy mạnh, đạt kết quả cao. Năm 2024, Ninh Thuận thuộc nhóm 10 tỉnh đứng đầu cả nước về thu hút đầu tư; môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện.

Với những nỗ lực vượt khó, khai thác hiệu quả các tiềm năng để phát triển, giữ ổn định kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian qua và năm 2024; trong chuyến thăm, làm việc tại Ninh Thuận ngày 5/12/2024 vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá cao sự phát triển vươn mình đầy vượt bậc của tỉnh và ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh thời gian qua. Đồng thời nhấn mạnh, kết quả đạt được đáng mừng, song cũng còn nhiều “điểm nghẽn”, rào cản, khó khăn, vướng mắc cần phải nhận diện đầy đủ, tập trung thúc đẩy những lĩnh vực đột phá, mũi nhọn.

Thực hiện tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, UBND tỉnh Ninh Thuận tiếp tục rà soát, nhận diện đầy đủ các “điểm nghẽn”, khó khăn, vướng mắc, tập trung thúc đẩy những lĩnh vực đột phá, mũi nhọn.

Thủ tướng nghe báo cáo quy hoạch xây dựng khu tổ hợp Cà Ná, cảng Cà Ná tại xã Phước Diêm,

huyện Thuận Nam.

UBND tỉnh Ninh Thuận đã phân tích, đánh giá sát tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, từ đó có các giải pháp đột phá trên tinh thần “chỉ tiêu nào chưa đạt thì phải đạt, chỉ tiêu đạt rồi, thì phải nâng cao chất lượng, hiệu quả”, phấn đấu cao nhất hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Trong đó, tỉnh ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới. Tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí… nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2025, phấn đấu tăng trưởng GRDP đạt từ 13-14%.

Ông TRẦN QUỐC NAM, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận:

Ninh Thuận tiếp tục nhất quán quan điểm: “Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, động lực, nguồn lực phát triển”.

Đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm

Về thực hiện 3 khâu đột phá để thúc đẩy tăng trưởng, ông Trần Quốc Nam cho biết, UBND tỉnh xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, giải pháp triển khai thực hiện, phân công cụ thể từng ngành, từng cấp, xác định rõ vai trò người đứng đầu để tổ chức thực hiện nghiêm túc, kịp thời, hiệu quả.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuân Trần Quốc Nam trao đổi với các doanh nghiệp.

Đối với việc tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, liên vùng, nhất là các dự án kết cấu hạ tầng, cùng với việc tập trung chỉ đạo các giải pháp cụ thể, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, tỉnh đã thành lập 3 Tổ công tác, tăng cường kiểm tra thực địa xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc về thủ tục, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công các dự án trọng điểm, các dự án vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Nhiều dự án có quy mô lớn, có tính lan tỏa được triển khai thực hiện tạo động lực thúc đẩy nhanh sự phát triển của tỉnh, như: hoàn thành dự án Môi trường bền vững tiểu dự án thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, đầu tư hạ tầng các KCN Thành Hải, đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông, thủy lợi trọng điểm...

Tính đến ngày 4/12/2024, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đạt 87,5% kế hoạch cao hơn mức bình quân cả nước (khoảng 52%). Nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, UBND tỉnh tập trung triển khai quyết liệt với quyết tâm cao nhất, đem lại hiệu quả công việc tốt nhất đối với dự án trọng điểm, nhất là các dự án hạ tầng; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; thực hiện các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế đối với từng dự án cụ thể.

Tỉnh cũng tích cực đôn đốc tiến độ các dự án thành phần kinh tế gắn với tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, hậu kiểm, kiên quyết xử lý các dự án chậm tiến độ, kéo dài; phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt 100% kế hoạch.

Ký kế hợp tác tại Hội nghị kết nối giao thương xuất khẩu hàng hóa khu vực Nam Trung bộ với doanh nghiệp Hàn Quốc năm 2024 tại tỉnh Ninh Thuận

Về hoàn thiện cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho các trọng điểm phát triển, trong năm 2024, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành nhiều quyết định triển khai hiện thực hóa các chính sách theo nghị quyết của HĐND tỉnh; góp phần thực hiện hiệu quả các dự án chương trình. Trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo rà soát và hoàn thiện cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; siết chặt kỷ luật, kỷ cương; tăng cường giám sát, kiểm tra, đôn đốc, giải quyết kịp thời, dứt điểm các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh một cách mạnh mẽ, quyết liệt hơn cho các trọng điểm phát triển.

Về khơi thông “điểm nghẽn”, huy động nguồn lực đất đai thúc đẩy tăng trưởng, ông Trần Quốc Nam cho biết, đây là nhiệm vụ quan trọng thúc đẩy tăng trưởng. UBND tỉnh Ninh Thuận đã tập trung chỉ đạo, quyết liệt, tăng tốc trong công tác ban hành giá đất, đấu giá tài sản công, các dự án đầu tư công, các dự án kinh tế tư nhân. Tập trung chỉ đạo quyết liệt trong xử lý các vướng mắc đất đai tại dự án đầu tư các thành phần kinh tế để sớm đưa các dự án vào hoạt động, khơi thông nguồn lực đất đai, thúc đẩy tăng trưởng... Kết quả thu tiền sử dụng đất ước đạt 800 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch năm; kịp thời giao đất cho các chủ đầu tư để triển khai thi công, nhất là các dự án Khu đô thị Phủ Hà, Sông Dinh, Đầm Cà Ná…

Ông Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận kiểm tra tại Dự án đầu tư xây dựng đường Văn Lâm - Sơn Hải (Thuận Nam)

Thời gian tới, tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Đất đai 2024; đẩy nhanh tiến độ xác định giá đất phục vụ công tác đền bù, giải phóng mặt bằng sớm giao đất cho các công trình, dự án trọng điểm, quy mô lớn, các dự án khu đô thị. Đồng thời, đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra tiến độ sử dụng đất các dự án để xử lý kịp thời các vi phạm, hạn chế lãng phí nguồn lực đất đai...

Đối với các ngành, lĩnh vực trọng tâm ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, trong thời gian tới, tỉnh tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án năng lượng tái tạo được phê duyệt trong quy hoạch điện VIII, điện VIII điều chỉnh; các dự án thủy điện tích năng Bác Ái, Phước Hòa… Thúc đẩy tăng trưởng du lịch thông qua các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, thu hút đầu tư... Đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp chế tạo, công nghiệp phụ trợ gắn với cảng biển.. Ninh Thuận cũng tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hát triển vùng chuyên canh, xây dựng chuỗi giá trị, kết hợp nông nghiệp và du lịch, hỗ trợ khởi nghiệp…

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư

Ông Trần Quốc Nam cho biết, với quan điểm “cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh chỉ có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc”, Ninh Thuận đã tập trung chỉ đạo mạnh mẽ công tác tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi, ổn định cho hoạt động đầu tư sản xuất của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tỉnh cũng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư với tinh thần “Chính quyền phục vụ, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân”, xác định “sự thành công của cộng đồng doanh nghiệp cũng chính là sự thành công của tỉnh”. Định kỳ, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị gặp mặt đối thoại với các doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của Doanh nghiệp

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Namđến thăm, động viên lãnh đạo, nhân viên Khu du lịch sinh thái Natural Paradise (Thuận Bắc).

Công tác cải cách hành chính được tỉnh chú trọng đặc biệt, việc đẩy mạnh cải cách hành chính góp phần tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục hành chính.

Những nỗ lực của các cấp chính quyền tỉnh đã góp phần quan trọng vào cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh được cải thiện rõ nét, chỉ số PCI năm 2023, xếp thứ 02/14 trong khu vực, thứ 11/63 toàn quốc, nằm trong nhóm 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước.

Tính đến nay, UBND tỉnh đã cấp quyết định, chứng nhận đăng ký đầu tư cho 472 dự án với tổng vốn đăng ký 238.126 tỷ đồng. Đã có 346 dự án đã hoàn thành xây dựng và đi vào hoạt động, chiếm 73,3% tổng số dự án, 78 dự án đang triển khai theo tiến độ được duyệt chiếm 16,5% tổng số dự án, còn lại 48 dự án đang hoàn tất thủ tục để triển khai.

Thời gian tới, Ninh Thuận cũng tập trung sắp xếp bộ máy các cơ quan hành chính và các đơn vị sự nghiệp của tỉnh theo chủ trương của Trung ương thực sự "tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả" lấy lợi ích Nhân dân làm mục tiêu hành động. Ninh Thuận tiếp tục nhất quán quan điểm: “Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, động lực, nguồn lực phát triển”, khơi thông các điểm nghẽn với tinh thần “sớm nhất, hiệu quả nhất” tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực thi công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh.

Với những nỗ lực không ngừng, Ninh Thuận đang trên đà trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Việc thu hút đầu tư hiệu quả sẽ không chỉ góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Ông Nguyễn Đức Thanh, Bí Thư Tỉnh ủy Ninh Thuận.

Phát biểu tại kỳ họp HĐND tỉnh khóa XI, nhiệm kỳ 2021 - 2026 mới đây, Bí Thư Tỉnh ủy Ninh Thuận Nguyễn Đức Thanh nhấn mạnh, để thực hiện thắng lợi mục tiêu nhiệm vụ năm 2025, góp phần hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025, tạo tiền đề vững chắc cho giai đoạn tiếp theo, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp và cả hệ thống chính trị cần có quyết tâm chính trị cao nhất, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp.

Trong đó, tiếp tục tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững; thực hiện 3 đột phá mà Nghị quyết của Tỉnh ủy năm 2025 đã xác định. Thực hiện hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, xã hội số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tập trung phát triển 05 ngành lĩnh vực trọng tâm: Năng lượng; du lịch; công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng, kinh doanh bất động sản và kinh tế đô thị…

Đồng thời, đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp chủ lực và tiến độ các dự án công nghiệp mới; thu hút, nâng tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp. Tập trung tháo gỡ khó khăn để sớm khởi công dự án LNG Cà Ná và các dự án năng lượng. Phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, tận dụng cơ hội, dư địa tăng trưởng, nâng chất lượng dịch vụ du lịch; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án du lịch trọng điểm, quy mô lớn. Tăng cường xúc tiến đầu tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án: Tuyến đường kết nối Cảng tổng hợp Cà Ná lên khu vực Nam Tây Nguyên, Cảng tổng hợp Cà Ná, các dự án vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, các dự án công nghiệp, năng lượng; chủ trương xây dựng tuyến đường kết nối từ sân bay Cam Ranh đến Ninh Thuận… Triển khai hiệu quả Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 gắn với rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh quy hoạch các ngành, lĩnh vực đảm bảo đồng bộ, thống nhất.

Bên cạnh đó, tiếp tục tập trung khắc phục những hạn chế, tháo gỡ vướng mắc, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là trong quản lý quy hoạch, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường, chống lãng phí, thất thoát nguồn tài nguyên. Rà soát sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, đặc biệt trong lĩnh vực: tài chính, đầu tư, an sinh xã hội… Chú trọnng lựa chọn các vấn đề, giải pháp phát triển kinh tế trọng tâm, trọng điểm mang tính chiến lược lâu dài, phát huy nội lực, động lực lan tỏa; kịp thời có biện pháp hiệu quả nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên tất cả các lĩnh vực để huy động mọi nguồn lực phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Nguồn: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu