Ngân hàng Phát triển Việt Nam hợp tác với doanh nghiệp, nhà đầu tư tại Ninh Thuận
Tại Ninh Thuân, Ngân hàng Phát triển Việt Nam mong muốn kết nối với doanh nghiệp đầu tư các dự án về năng lượng tái tạo, điện gió, điện mặt trời, điện khí; hạ tầng giao thông, cảng biển; phát triển hạ tầng khu công nghiệp...
Hội nghị kết nối nhà đầu tư và triển khai chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước tại tỉnh Ninh Thuận nhằm triển khai nội dung làm việc giữa Ngân hàng Phát triển Việt Nam với UBND tỉnh Ninh Thuận vào ngày 10/4/2025. Ảnh: Quỳnh Trang.
Đại diện Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Ninh Thuận (ITTC Ninh Thuận) cho hay, UBND tỉnh phối hợp với Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) sẽ tổ chức Hội nghị kết nối nhà đầu tư và triển khai chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước tại tỉnh Ninh Thuận.
Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Ninh Thuận, lãnh đạo VDB và Chi nhánh VDB khu vực Nam Trung Bộ; khoảng 100 doanh nghiệp, nhà đầu tư…
Hội nghị diễn ra với vào lúc 15h, ngày 17/5/2025, tại Khu Du lịch và sân golf Anara Bình Tiên, huyện Ninh Hải.
Hội nghị được tổ chức nhằm tập trung kết nối các nhà đầu tư, doanh nghiệp tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư hạ tầng, đầu tư sản xuất kinh doanh trong các khu, cụm công nghiệp, tiếp cận các nguồn lực của tỉnh, chính sách hỗ trợ đầu tư, chính sách tín dụng đầu tư của nhà nước đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Tại hội nghị, ngoài việc thông tin, giới thiệu cơ chế cho vay mới theo quy định của Nghị định số 78/2023/NĐ-CP của Chính phủ đến các doanh nghiệp; Ngân hàng Phát triển Việt Nam cũng sẽ trao đổi thông tin và ký kết bản ghi nhớ với các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Theo ITTC Ninh Thuận, nhu cầu tổng vốn đầu tư toàn xã hội tại địa phương năm 2025 khoảng 22.500 tỷ đồng. Tỉnh đang kêu gọi đầu tư vào các dự án trọng điểm về năng lượng, năng lượng tái tạo theo Quy hoạch điện VIII điều chỉnh đến năm 2030.
Trong đó, điện mặt trời 1.974 MW, điện gió 1.039 MW; LNG Cà Ná 1.500MW; hydrogen; Dự án Khu Công nghiệp Cà Ná (giai đoạn 1, quy mô 378ha) và các 9 cụm công nghiệp mới theo quy hoạch tỉnh với tổng diện tích trên 412 ha; Dự án Cảng biển tổng hợp Cà Ná giai đoạn 2 (quy mô 300.000 DWT) gắn với Cảng cạn, Trung tâm logistics Cà Ná 120 ha theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp, hiện đại với năng lực thông qua từ 150.000 – 200.000TEU/năm…
Về phía Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), thời gian qua, VDB đã đáp ứng một phần quan trọng nhu cầu nguồn vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội cũng như nâng cao năng lực sản xuất của các ngành kinh tế thông qua việc tài trợ, cho vay gần 200 dự án trọng điểm nhóm A trên phạm vi cả nước, với tổng số vốn vay chiếm khoảng 50% tổng mức đầu tư.
Tính đến 20/3/2025, tổng dư nợ tín dụng của VDB đạt 161.540 tỷ đồng (tăng 3.308 tỷ đồng so với cuối năm 2024), trong đó dư nợ tín dụng đầu tư đạt 38.380 tỷ đồng.
Theo VDB, hiện có khoảng 104 dự án tiếp cận tại các chi nhánh và sở giao dịch của VDB để thực hiện quy trình vay vốn, với nhu cầu vốn vay là 67.000 tỷ đồng.
Tính đến 20/3/2025, VDB đã ký kết 31 hợp đồng tín dụng đầu tư mới với tổng số chấp thuận cho vay là 12.243 tỷ đồng, tổng số vốn giải ngân cho vay là 3.137 tỷ đồng.
Tại tỉnh Ninh Thuận, Chi nhánh VDB Khu vực Nam Trung Bộ đang tiếp nhận hồ sơ để thẩm định cho vay 3 dự án, tổng số vốn vay trên 2.000 tỷ đồng.
Năm 2025 và những năm tới đây, mục tiêu Chi nhánh VDB Khu vực Nam Trung Bộ sẽ tập trung ưu tiên nguồn vốn tín dụng đầu tư cho các dự án mới đủ điều kiện triển khai, đặc biệt là các dự án hạ tầng khu, cụm công nghiệp, năng lượng, năng lượng tái tạo, nhà ở xã hội, sản xuất chế biến công nghiệp, nông nghiệp thủy sản ứng dụng công nghệ cao. Dự kiến nguồn vốn tín dụng đầu tư khoảng 5.000 – 10.000 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo VDB đang đẩy mạnh tìm kiếm các chủ đầu tư, chủ động làm việc với các tập đoàn, tổng công ty lớn hợp tác triển khai các dự án trọng điểm quốc gia. Đặc biệt, tại tỉnh Ninh Thuận, những dự án được VDB rất quan tâm về năng lượng tái tạo, điện gió, điện mặt trời, điện khí, các dự án về hạ tầng giao thông, các dự án cảng biển, các dự án phát triển hạ tầng khu công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao, các dự án an sinh xã hội như bệnh viện, trường học và nước sạch,...
Trước đó vào ngày 10/4/2025, Đoàn công tác của VDB do ông Đào Quang Trường, Tổng giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Ninh Thuận về việc báo cáo triển khai công tác tín dụng đầu tư của Nhà nước theo Nghị định số 78/2023/NĐ-CP.
Tại buổi làm việc ngày 10/4/2025, ông Đào Quang Trường, Tổng giám đốc VDB mong rằng trong thời gian tới, nguồn vốn tín dụng đầu tư của nhà nước sẽ đóng góp hiệu quả nhiều hơn nữa cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Quỳnh Trang.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo VDB Việt Nam nắm bắt nhu cầu vay vốn đầu tư của chủ đầu tư, dự án thuộc đối tượng vay vốn tại địa bàn để báo cáo kế hoạch thực hiện năm 2025 cũng như các năm tiếp theo. Đặc biệt, VDB quan tâm đến một số các dự án chuẩn bị triển khai như Nhà máy Điện hạt nhân 1 và 2 (trong đó bao gồm các dự án thành phần như điện, nước, khu hạ tầng, hệ thống giao thông nội bộ...); các dự án thủy điện tích năng đang triển khai tại tỉnh; các dự án thuộc danh mục dự án kêu gọi vốn đầu tư ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2025 - 2030…
Tại buổi làm việc ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận mong muốn VDB, Chi nhánh VDB khu vực Nam Trung Bộ tiếp tục thúc đẩy triển khai các chương trình tín dụng, chính sách cho vay đối với các dự án đang được triển khai trên địa bàn tỉnh; trong đó có lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhà ở xã hội, các dự án liên quan đến hạ tầng kỹ thuật như cấp nước, nước sạch cho sinh hoạt...
Ông Nam đã giao ITTC Ninh Thuận chủ động kết nối với VDB và các nhà đầu tư để tìm hiểu kỹ hơn về cơ chế cũng như chính sách cho vay theo quy định của Nghị định số 78/2023/NĐ-CP.
Theo quy định, hiện VDB có thể cho vay đối với một khách hàng tối đa khoảng 12.000 tỷ đồng và đối với nhóm khách hàng tối đa khoảng 20.000 tỷ đồng. Thủ tướng quyết định việc cấp tín dụng tối đa vượt giới hạn nêu trên trên cơ sở báo cáo của Bộ Tài chính và đề nghị của VDB. Về lãi suất cho vay, VDB quyết định lãi suất cho vay theo nguyên tắc đủ bù đắp chi phí và không thấp hơn 85% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại trong nước trong cùng thời kỳ. Lãi suất cho vay năm 2025 là 6,9%/năm.
Nguồn: amp.baodautu.vn