Khai thác tiềm năng và lợi thế cạnh tranh để phát triển du lịch Ninh Thuận

02/02/2024 1416 0

Khai thác tiềm năng và lợi thế cạnh tranh để phát triển du lịch Ninh Thuận

Nằm ở khu vực Duyên hải miền Trung, tỉnh Ninh Thuận có nhiều tiềm năng khác biệt và lợi thế cạnh tranh để phát triển du lịch.

  Du khách tắm biển tại khu vực biển Bình Sơn - Ninh Chữ, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm. 

Với những giải pháp triển khai đồng bộ, tỉnh kỳ vọng trong năm 2024 sẽ tiếp tục thu hút đông đảo du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Thuận, năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu đón khoảng 3.000.000 lượt khách, trong đó khách nội địa đạt 2.900.000 lượt, khách quốc tế 100.000 lượt. Thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch khoảng 2.400 tỷ đồng, công suất sử dụng phòng đạt 65% trở lên.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp như: đẩy mạnh khai thác và phát huy tiềm năng, thế mạnh về du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch nông nghiệp; tăng cường thu hút đầu tư, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực du lịch; kết hợp đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch Ninh Thuận đến với du khách trong và ngoài nước.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận thông tin, để triển khai thực hiện, đơn vị sẽ phối hợp cùng các sở, ngành, địa phương tập trung hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp du lịch xây dựng các sản phẩm mới, hấp dẫn, có sức cạnh tranh cao. Các đơn vị tổ chức khảo sát, phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch; xây dựng các sản phẩm đặc thù phục vụ du lịch gắn quảng bá sản phẩm OCOP; kết hợp sự đa dạng giữa du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, đặc biệt là khai thác phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch để tạo sản phẩm du lịch mang tính đặc thù riêng của địa phương.

Bên cạnh đó, Ninh Thuận tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành dịch vụ, du lịch đảm bảo số lượng; chú trọng kỹ năng, thái độ phục vụ khách thông qua tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho đội ngũ lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, người dân địa phương. Tỉnh đẩy mạnh triển khai ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động du lịch, quảng bá du lịch trên các nền tảng số, các kênh truyền thông, báo chí, mạng xã hội; phát hành ấn phẩm và thông qua các hội chợ, hội nghị, hội thảo, các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch trong và ngoài tỉnh.

Bãi san hô hóa thạch có tuổi đời hàng triệu năm ở Hang Rái, Vườn quốc gia Núi Chúa.

Ninh Thuận đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các hãng hàng không; các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên để xây dựng các chương trình, tour, tuyến du lịch hấp dẫn thu hút khách du lịch. Tỉnh triển khai Chương trình ký kết hợp tác phát triển du lịch Ninh Thuận - Lâm Đồng giai đoạn 2022 - 2025; phát triển các thị trường du lịch Đông Bắc Á; duy trì và phát triển thị trường khách truyền thống khu vực Đông Nam Á, Nga, Trung Quốc, Australia, Đông Âu, Tây Âu; hướng đến mở rộng thì trường khách các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Đông và Bắc Mỹ.

Được ví như “tiểu sa mạc của Việt Nam”, tỉnh Ninh Thuận đang đẩy mạnh hướng khai thác các yếu tố đặc thù của khí hậu trong lành, thiên nhiên tươi đẹp để xây dựng, phát triển các loại hình du lịch tạo nên sức hút riêng.

Với lợi thế đường bờ biển dài hơn 105km, Ninh Thuận có nhiều bãi biển có phong cảnh đẹp hoang sơ, hệ sinh thái biển đa dạng cùng thời tiết nắng ấm quanh năm, rất thuận lợi cho du khách tắm biển, nghỉ dưỡng, chơi các môn thể thao biển. Bên cạnh đó, tỉnh có nhiều đồi cát rộng, đẹp sát biển. Nổi bật là đồi cát Nam Cương, Mũi Dinh có quy mô lớn, đang là địa chỉ thu hút du khách tham gia hoạt động du lịch trải nghiệm sa mạc, đua xe địa hình trên cát.

Ninh Thuận có nhiều lợi thế về du lịch khi sở hữu Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa và Vườn Quốc gia Phước Bình. Những nơi này hiện đang lưu giữ những giá trị đa dạng sinh học phong phú với các loài động vật, thực vật quý hiếm có tên trong Sách Đỏ Việt Nam và Sách Đỏ IUCN. Trong đó, Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa được xem là mẫu chuẩn về hệ sinh thái rừng khô hạn đặc trưng, độc đáo của Việt Nam, Đông Nam Á và là địa điểm thu hút nhiều du khách đến khám phá.

Du khách tham quan Di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia đặc biệt tháp Po Klong Garai 
(phường Đô Vinh, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm).

Ninh Thuận là địa phương có đông đồng bào Chăm, Raglai sinh sống với nhiều lễ hội, phong tục, ẩm thực đặc sắc đang được khai thác để phát triển du lịch. Tỉnh có các tháp Chăm với nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc độc đáo còn tồn tại tương đối nguyên vẹn, thuộc loại đẹp nhất của các đền tháp Chăm ở Việt Nam hiện nay. Bên cạnh đó, Ninh Thuận còn có các làng nghề gốm, dệt thổ cẩm với lịch sử hàng trăm năm hứa hẹn đem tới cho du khách những trải nghiệm thú vị.

Không chỉ có vậy, điều kiện khí hậu “ít mưa, thừa nắng” tạo cho Ninh Thuận những sản phẩm nông nghiệp đặc thù như: Nho, táo, hành, tỏi, măng tây xanh, cây nha đam, dê, cừu... Với lợi thế này, tỉnh đã tập trung phát triển nhiều mô hình du lịch nông nghiệp như: Tour tham quan vườn nho ở làng nho Thái An (huyện Ninh Hải); trang trại nho, táo (huyện Ninh Phước); vườn trái cây sinh thái Lâm Sơn (huyện Ninh Sơn); cánh đồng chăn cừu (huyện Ninh Hải, Bác Ái),...

Trong năm 2023, ngành Du lịch Ninh Thuận đã có bước phát triển mạnh mẽ với tổng lượt khách du lịch đến tỉnh ước đạt 2.900.000 lượt (đạt 107,4% so với kế hoạch); trong đó khách quốc tế ước đạt 40.000 lượt khách (tăng gấp 2 so với kế hoạch), khách nội địa ước đạt 2.860.000 lượt; thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch đạt 2.300 tỷ đồng.

Nguồn: baotintuc.vn

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu