Những đảng viên Raglai tiên phong làm giàu, phát triển du lịch cộng đồng

30/01/2024 678 0

Những đảng viên Raglai tiên phong làm giàu, phát triển du lịch cộng đồng

Những đảng viên người Raglai đã nâng cao vai trò của mình trong viêc vận động người dân thay đổi cách nghĩ, cách làm, cùng địa phương tham gia xây dựng mô hình “Du lịch sinh thái và văn hóa cộng đồng”.

Xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái, kết hợp văn hóa cộng đồng. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện còn nhiều hạn chế, nhất là vấn đề vệ sinh môi trường, tư duy sản xuất...

Để khơi thông những rào cản trên, thời gian qua, những đảng viên người Raglai ở xã Phước Bình đã nâng cao vai trò của mình trong viêc vận động người dân thay đổi cách nghĩ, cách làm, cùng địa phương tham gia xây dựng mô hình “Du lịch sinh thái và văn hóa cộng đồng”.

Đảng viên đi trước

Về với miền sơn cước Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận trong những ngày giáp Tết này, khi cây rừng đang mùa thay lá thì vườn cây ăn trái gồm: bưởi da xanh 300 cây, 50 cây sầu riêng, chôm chôm của gia đình ông Katơr Quỳnh ở thôn Hành Rạc 2 vẫn xanh biếc. Trong khi vườn sầu riêng đang ra bông, thì vườn cây bưởi đang chờ thu hoạch vụ Tết.  

Ông Katơr Quỳnh bước ra từ căn nhà sàn truyền thống của người Raglai. Ảnh: Đoàn Sĩ

Tiếp chúng tôi trong căn nhà mới xây gần tỷ đồng kế bên căn nhà sàn truyền thống của người Raglai, người đảng viên hơn 30 tuổi Đảng phấn khởi cho biết, trước đây, gia đình ông cũng như nhiều bà con khác trên địa bàn Phước Bình chỉ biết trồng cây điều và những cây ngắn ngày như bắp, đậu, nên hiệu quả không cao.

Từ khi được chính quyền vận động chuyển đổi cây trồng, gia đình đã mạnh dạn chuyển gần 2 ha sang trồng bưởi da xanh, sầu riêng và chôm chôm, kết hợp với mô hình du lịch sinh thái vườn cho thu nhập trên 150 triệu đồng/năm. Từ đó ông vận động, hướng dẫn người dân chuyển đổi sản xuất để phát triển kinh tế.

"Đảng viên phải đi trước. Rác thải, vệ sinh môi trường, đường sá phải xanh, sạch và nhiều bóng mát. Đường làm du lịch mà dơ quá thì ai tới. Từ ý thức rồi nhận thức của mình, phải tuyên truyền vận động để bà con nghe và làm theo thì mình phải làm trước. Làm trước hết cho mình, cho con cái, sau đó nhân rộng mô hình này ra toàn xã hội", ông Katơr Quỳnh cho biết.

Vườn cây bưởi da xanh ở thôn Hành Rạc 2, xã Phước Bình thu hút du khách. Ảnh: Đoàn Sĩ

Cách đó không xa là căn nhà sàn của gia đình đảng viên trẻ Katơr Chinh. Gia đình anh Chinh là cũng là một trong những hộ tiên phong đầu tư phát triển du lịch cộng đồng.

Anh Chinh cho biết, du khách đến đây, ngoài việc ghé thăm thăm vườn cây ăn trái mà gia đình và bà con trong địa phương đã làm, mà còn được thưởng thức những món ăn truyền thống của người Raglai như: cơm lam, gà nướng, cá sông nướng… những món ăn dân giã khác, chiêm ngưỡng các điệu múa dân gian của dân tộc Raglai, Churu.

"Chúng tôi cũng có khu liên kết nhóm để phát triển du lịch cộng đồng từ Chapi 1 đến Chapi 6. Bây giờ cố gắng sửa sang lại lều trại cho khang trang để phục vụ nhu cầu của khách vui chơi trải nghiệm trong dịp Tết. Nhóm chính của tôi có 2 đảng viên, tôi là phó nhóm và 5 thành viên khác để phục vụ khách. Ngoài ra còn có nhóm 13 người phục vụ văn nghệ", Katơr Chinh cho biết.

Căn nhà sàn của gia đình anh Katơr Chinh. Ảnh: Đoàn Sĩ

Tạo chuyển biến nhận thức

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Phước Bình, huyện Bác Ái đã đề ra nhiệm vụ và giải pháp trong việc khơi dậy và phát huy sức dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Vận động người dân thay đổi tư duy, lối sống cùng địa phương tham gia hưởng ứng xây dựng mô hình “Du lịch sinh thái và văn hóa cộng đồng”, mà hạt nhân là các đảng viên người Raglai. 

Sau khi tuyên truyền, vận động, đến nay, toàn xã Phước Bình, huyện Bác Ái đã có 120 hộ Raglai tham gia, trong đó có 60 hộ gia đình đảm bảo các yêu cầu và có nguyện vọng tham gia phát triển du lịch cộng đồng.

Cổng vào làng du lịch cộng đồng Chaphi ở thôn Hành Rạc 2. Ảnh: Đoàn Sĩ

Đảng ủy và UBND xã Phước Bình đã tiến hành định hướng xây dựng các hạng mục phục vụ cho mô hình từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước và người dân bỏ ra đầu tư: xây dựng nhà sàn cho 60 hộ với tổng mức đầu tư cho mỗi hộ 20 triệu đồng (trong đó thôn Bố Lang 20 hộ, thôn Hành Rạc 2 có 40 hộ); xây nhà vệ sinh cho 120 hộ dân với tổng mức đầu tư cho mỗi hộ 10 triệu đồng, cải tạo cảnh quan như trồng hoa, cây xanh với tổng mức đầu tư cho mỗi hộ là 5 triệu đồng. Ngoài ra, còn lắp đặt thiết bị thu gom rác thải, biển báo, biển chỉ đường hướng dẫn với mức đầu tư là 50 triệu đồng.

Trên cơ sở Đề án Phát triển du lịch cộng đồng thí điểm tại địa bàn xã Phước Bình giai đoạn 2019-2022 (Quyết định số 1189 ngày 23/7/2019 của UBND huyện Bác Ái), lượng khách tham quan đến các điểm du lịch sinh thái, văn hóa tại địa bàn xã Phước Bình đã có bước tăng trưởng đáng kể, nhất là vào các ngày nghỉ, ngày lễ. Mỗi năm Phước Bình đón khoảng từ 5.000 – 7.000 lượt du khách về tham quan trải nghiệm.

Bà Pi Năng Thị Cô, Phó Bí thư Đảng uỷ xã Phước Bình, huyện Bác Ái cho biết, từ khi có chủ trương phát triển du lịch, bà con ở đây đã thay đổi tư duy trong sự phối hợp, liên kết làm ăn phát triển kinh tế gia đình.

"Đặc biệt là chuyển đổi giống cây trồng. Từ đó đến nay thay đổi rõ rệt luôn, bà con biết buôn bán, tiếp cận đa chiều. Ở đây có 5 dân tộc anh em gồm: Kinh, Chăm, Raglai, Churu nhưng sinh sống rất đoàn kết", bà Pi Năng Thị Cô nói.

Tiếp tục dấu ấn người đảng viên

Trên cơ sở kết quả đã đạt được, ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho UBND huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục ban hành đề án mới giai đoạn 2023 – 2025 và tầm nhìn đến 2030 về phát triển du lịch trên địa bàn huyện. Trong đó, tập trung mở rộng, hoàn thiện một số sản phẩm du lịch cộng đồng tại xã Phước Bình. Nhất là trong năm 2024, triển khai thực hiện dự án số 6 của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi. Cụ thể xây dựng nhà sàn truyền thống của người Raglai để phát triển du lịch.

Du khách được mời rượu cần khi đến tham quan nhà sàn truyền thống của người Raglai. Ảnh: Đoàn Sĩ

Ông Trần Văn Toàn, Trưởng phòng Văn hoá Thông tin huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận cho biết, mô hình du lịch cộng đồng là một lợi thế tiềm năng của địa phương, và là điểm mới trong đột phá cơ cấu thành phần kinh tế của huyện nhà.

"Tiếp tục trong năm 2024 vừa mở rộng một số hộ gia đình để phát triển du lịch, đồng thời các hộ sẵn có trong năm 2022, 2023 tiếp tục hoàn thiện, hoàn chỉnh mang tính chuyên nghiệp hơn, đưa vào hoạt động theo quy chế, quản lý vận hành có khoa học và có sức lan toả hơn trong cộng đồng, để giúp nhân dân chung tay cùng nhau phát triển du lịch cộng đồng", ông Trần Văn Toàn cho biết.

Để góp phần đưa Phước Bình phát triển thành làng du lịch cộng đồng đặc trưng và nhân rộng ra các làng du lịch cộng đồng khác của tỉnh Ninh Thuận, trong thời gian tới, những đảng viên người Raglai ở xã Phươc Bình, huyện Bác Ái sẽ tiếp tục nâng cao vai trò của mình trong viêc vận động người dân cùng địa phương tham gia hưởng ứng xây dựng mô hình “Du lịch sinh thái và văn hóa cộng đồng”.

Nguồn: vov.vn

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu